Góc Tâm Hồn Nhỏ - "Tôi tên là An. Mẹ tôi là một con điếm. Cha tôi là một gã khốn nạn. Tôi mong tất cả các bạn chết hết đi." ***
Chim tự do Đuổi gió! Đi muôn nơi! Thở gió ăn sương. Nào có mệt mỏi. Chim tự do Bãy mãi! Tìm đường về nhà! ...
Nhà là đâu?
Có những tiếng đàn guitar vui tươi vang lên trên một con phố vắng người. Nửa đêm. Đèn đường vàng vọt. Gió lạnh. Mùi hoa sữa. Đôi mắt thẫn thờ. Những âm vang vui tươi. Thằng nhóc ấy tên là An, nó có một câu chuyện để kể. Vì tiếng đàn của nó rất vui tươi nên câu chuyện của nó cũng sẽ rất buồn.
An không biết mình đến từ đâu hay ai đã sinh ra nó. Chỉ biết rằng, một đêm đông, khi ấy nó mới chừng 4 tuổi thì phải, An đang nằm co quắp bên vệ đường, sắp chết vì lạnh thì có một người phụ nữ tìm thấy nó và đem nó về nuôi. Người phụ nữ ấy là một góa phụ và sống cùng với gia đình khá giả của em gái. Nói là sống cùng, nhưng bọn chúng chỉ coi bà như một ô sin không trả công. Vậy là nghiễm nhiên, nó, đứa con rơi mà con ô sin đó đem về, sẽ là một thằng ô sin không công nữa.
Bọn chúng là từ mà An đặt tên cho lũ người mà nó căm ghét đó. Bà Hiền kể, khi xưa bà Hiền phải bỏ học từ nhỏ để nuôi em gái bà . Và sau này, chính đứa em đó bắt bà sống ở một cái kho để đồ cũ nằm ở giữa nhà vệ sinh tầng một và tầng hai.
Bất chấp tất cả, bà Hiền vẫn làm đủ việc để nuôi nó ăn học đàng hoàng. Và hơn hết, bất chấp tất cả, bà yêu thương nó. Nó cũng yêu thương bà, nhưng An chưa bao giờ coi bà là mẹ - vì sao ư? Bởi vì căm ghét Mẹ vô cùng. Mẹ với nó là một thứ gì đó vô cùng xấu xa, người đã vứt nó ra ngoài đường, người đã đuổi nó đi. Nó ghét, nó hận...
2 tháng trước, bà Hiền mất. Bà mất vì trụy tim, An nghe người ta nói vậy. Nhưng chỉ mình nó biết sự thật: bà đã bị giết. Bọn chúng đập nát trái tim bà ra. Bọn chúng chỉ an táng tạm bợ cho bà. Không điếu văn, không viếng. Bọn chúng cho bà vào một cái quan tài xấu xí rồi vứt xuống một cái hố, thế là hết.
An suy sụp trong một tuần – nó không ăn, cũng chẳng ngủ. Nhưng trái với vẻ ngoài gầy gò, nó có một trái tim mạnh mẽ vô cùng. Hết tuần thứ nhất, nó đi làm trở lại. Thợ hồ! An phải kiếm đủ tiền để mua quần áo với sách giáo khoa mới. Vì nó sắp nhập học vào lớp 10 rồi. An vốn chưa từng nghe tới chuyện cổ tích, nên nó không chờ đợi bà tiên tốt bụng nào đến giúp đỡ nó cả. Nó phải tự đứng lên.
An vẫn ở sống trong cái kho suốt tháng tám. Bọn chúng chưa dám đuổi An ra khỏi nhà vì sợ bị thiên hạ đàm tiếu không hay. Vậy là bọn chúng nghĩ ra một kế hoạch! Hôm ấy, một buổi tối An vác cái xác mỏi nhừ đói ngấu của nó về 'nhà' (hay về chuồng), mụ đàn bà cay nghiệt đã đợi nó ở cổng.
Bà ta túm lấy tóc nó bằng một tay, tay còn lại cầm một cái nhẫn vàng. Bà ta vừa kéo tóc nó vừa giơ cái nhẫn ra trước mặt nó như một đứa trẻ khoe với mẹ lần đầu tiên nó biết dùng giấy vệ sinh.
"Đồ chó má." Bà ta nói, kèm theo những từ không hay khác "Đồ ăn trộm. Tao cho mày sống trong nhà tao, vậy mà mày trả ơn tao thế đấy. Bớ làng nước ơi, thằng mồ côi mất dạy ăn trộm đồ của tui..."
An vùng lên, ủn bà ta vào tường rồi lao vào trong nhà. Nó leo lên chỗ nhà kho và thu dọn toàn bộ gia tài: 5 bộ quần áo, 2 chục cuốn sách, một cây đàn guitar... Nhưng, hơn 2 chục triệu tiền dành dụm của nó và bà Hiền, đã mất! Máu nóng trong người An bốc lên tận mặt. Lũ người kia nhìn nó bằng ánh mắt khinh khỉnh. "Mất gì sao?" Bọn chúng nói và cười khinh bỉ. An lao tới như một con thú, nó tặng cho mụ đàn bà một quả đấm vào mặt. Bao nhiêu phẫn uất dồn nén chỉ đợi đến lúc đó.. (An rất muốn đập cây đàn vào mặt bà ta, nhưng nó sợ cây đàn bị hỏng).
An cứ đi lang thang mãi trên những cơn phố. Rồi nó dừng lại vào nửa đêm. Đặt cây đàn guitar lên đùi mà gảy những điệu nhạc vui tươi...Chính lúc này đây... Thằng bé 15 tuổi ấy đã thay đổi mãi mãi. Nó bắt đầu nuôi hận thù với thế giới. Nó thật lòng căm ghét tất cả mọi người, bởi vì tất cả mọi người đều căm ghét nó.
An kết thúc bài hát, nó đứng dạy và lại rảo bước đi bằng đôi chân mệt mỏi. Nó tới mộ của bà Hiền, nằm ở đó và thiu thiu ngủ. An không mơ về những hồn ma. Nó mơ về một trận chiến mà nó là kẻ chiến thắng. Nó sẽ sống, nó sẽ đứng lên,
Nó sẽ làm được.
***
Mùa hạ năm ấy trôi qua như thế đó. Cuối cùng thì An cũng tìm được một căn nhà để ở tạm. "Nhà" ở đây là 4 mảng tường mục nát chống đỡ lấy một mái bê tông để che nắng mưa. "Nhà" nằm ở một góc đồng hoang ở một khu đô thị, nên chẳng có ai để ý tới nó. Nơi này rộng rãi thoáng mát hơn cái kho nó từng ở nhiều.
An làm việc quần quật suốt ngày, người nó gầy rạc đi vì thiếu ăn thiếu ngủ. Tay nó chai lại, cứng cáp. Người qua đường chẳng ai them để ý tới một thằng nhóc gầy nhom đang oằn mình kéo cái xe chở đất. Thăng nhóc ấy đang dần trở thành một người đàn ông, quá sớm, quá đau đớn.
Năm học mới cuối cùng cũng tới. Nó sắp xếp để làm việc vào buổi chiều và buổi tối để đi học vào buổi sáng. An học lớp 10a1, lớp chọn của trường vì nó thi đỗ với điểm khá cao. Nó vẫn nhớ ngày đầu tiên tới lớp. Cô giáo chủ nhiệm của nó khá trẻ trung, và dễ thương nữa. Cô cho từng người một đứng lên giới thiệu về bản thân, về gia đình, và ước mơ. An im lặng lắng nghe những gì bạn cùng lớp của nó nói. Mô tuýp thế này "Tôi tên là... Mẹ tôi là... Cha tôi là... Tớ mong muốn ..."
Cuối cùng cũng tới lượt nó.
"Tôi tên là An. Mẹ tôi là một con điếm. Cha tôi là một gã khốn nạn. Tôi mong tất cả các bạn chết hết đi."
Tất nhiên An không bao giờ nói những câu đó. Nó định nói vậy, nhưng nó không nói. An chỉ ngước nhìn một lượt những ánh mắt đang đổ dồn vào nó. Rồi ánh mắt nó dừng lại nơi cô bạn ngồi cạnh. Cô tên là Vi thì phải. Một cái tên đẹp, nó thầm nghĩ. Nó nhìn Vi hồi lâu, Vi cũng nhìn nó, chờ đợi, mắt cô long lanh thật đẹp. Nó không chịu nổi ánh mắt đó. Vậy là nó chạy đi. Nó lao đi. Nó khóc.
Ngày hôm sau An trở lại lớp như chưa có chuyện gì xảy ra. Mọi người ai cũng bản tàn về nó. Họ nghĩ ra đủ thứ chuyện về xuất thân của nó. An chỉ lặng im ngồi ở chỗ của mình và lắng nghe. Nó chẳng quan tâm.
"Cậu tên là gì?"
An giật mình quay sang bên cạnh, Vi đã ngồi cạnh nó từ lúc nào. Trông cô thật thánh thiện trong chiếc áo sơ mi trắng.
"An"
"Tớ là Vi." Cô đáp lại giọng nói sắc lạnh của nó bằng một nụ cười. Sau đó là một quãng thời gian im lặng.
"Hình như tớ đã thấy cậu trước đó rồi. Ở khu đô thị ấy. Nhà tớ ở đó mà."
"Ừ."
"Cậu sống ở đó à?"
"Ừ."
"Khu chung cư nào thế? Biết đâu ta lại ở cạnh nhau?"
"Ta không đâu."
Vi không hỏi gì thêm nữa. Cô hơi có ác cảm với An. Nhưng đó chỉ là cảm xúc thông thường của con người khi bị đối xử lạnh nhạt. Phàn còn lại trong cô lại rất tò mò muốn tìm hiểu cậu bạn mới này. Vi có một trái tim nhân hậu bẩm sinh, cô luôn muốn che chở cho những người kém may mắn hơn mình.
***
Nửa học kỳ một trôi qua êm đềm. Ngày ngày An vẫn tới lớp, sau buổi trưa lại mướt mồ hôi trong những căn nhà xây dở. Ngày ngày, Vi tò mò quan sát cậu bạn ngồi cùng bàn với mình. Cậu ta ăn mặc lôi thôi, quần áo lúc nào cũng nhàu nát, mặt thì lúc nào cũng nhớp nháp, bẩn thỉu. Nhưng cô không ghê tởm An. Vi rất thương An. Mấy lần cô thấy nó kéo những xe gạch trên đường. Mồ hôi chảy dài trên những cặp xương sườn nhỏ bé.
Một buổi sáng, Vi tưởng mình đến sớm nhất lớp thì cô đã thấy An ngồi ở đó, nơi góc phòng học, chệu chạo nhai một ổ bánh mì không và tu nước lã ùng ục. Cô lặng lẽ ngồi xuống bên An rồi chìa ra trước mặt nó một hộp sữa. An gật đầu, vội vã giựt cái ống hút và mút sùn sụt như chưa bao giờ được uống sữa vậy.
Sau hôm đó, An đã có vẻ thân thiện hơn với Vi. Nhưng qua bao nhiêu năm tháng, hay nói đúng hơn là qua bao nhiêu "hộp sữa" Vi và An mới trở thành bạn. Cô bé với trái tim nhân hậu đã đưa An trở lại với con người thực sự của nó: một câu bé ngây thơ... An cười nhiều hơn, hát nhiều hơn. An dẫn cô về tổ ấm của mình. Rồi trong những đêm mùa thu trong trẻo, cả hai ngồi trên đồng cỏ chỉ tay về những ngôi sao trên bầu trời. Nó đánh cho cô nghe những điệu nhạc buồn, nó ngêu ngao hát... Điệu nhạc buồn, tức là nó đang rất vui...
"Sau này cậu sẽ làm gì?"Vi hỏi
"Tớ sẽ là nhà phát mình"
"Khó lắm đó."
"Thì có ai bảo nó dễ dàng đâu?"
"Cậu định phát minh gì."
"Những thứ làm con người bớt đau khổ..." AN cười "Còn cậu sẽ làm gì?"
"Tớ muốn làm họa sĩ. Tớ muốn vẽ... Tớ không muốn học những thứ ngớ ngẩn ở trường chút nào. Nhưng bố mẹ tớ lại muốn tớ làm bác sĩ...Nghề đó kiếm nhiều tiền hơn, lại ổn định hơn. Họ bảo thế... Nhưng tớ muốn vẽ"
"Vậy hãy làm thế đi" An nói "Đừng để bị điều khiển. Cậu biết cậu nên làm gì không? Làm bất cứ thứ gì cậu muốn..."
***
Cuối học kỳ một năm lớp 10, An đứng đầu lớp, còn Vi đứng cuối lớp.
Bố mẹ Vi rất tức giận. Họ mắng cô thậm tệ. Cũng phải thôi, bố mẹ cô đều là công nhân, họ chỉ có một cô con gái rượu, họ không muốn cô làm họa sĩ. "Nghề đó không kiếm ra tiền. Không việc làm ổn định!" Họ quát cô "Mày là con gái, phải nghe lời cha mẹ, về sau không có tiền sống khổ lắm con ơi..."
Bố Vi cũng đã biết chuyện của nó và Vi. Vậy là ông tìm đến tân nơi An ở. "Cháu đừng làm khổ con gái bác nữa" Ông nói. "Hãy để nó tập trung học hành. Hãy tha cho nó đi." An chỉ lắc đầu cười và đưa cho ông một bức vẽ của Vi. Đấy là chân dung nó.
"Cần có một tài năng lớn mới có thể vẽ chân dung một thằng cầu bất cầu bơ mà trông như tài tử điện ảnh thế này." An mỉm cười. Cha Vi không thể tin một thằng nhóc 15 tuổi lại có thể nói câu đó.
Dù sao thì An cũng đã "buông tha" Vi. Nó lại lạnh nhạt với cô và không uống sữa của cô nữa. Nó lại đói, lại mệt, lại quằn mình lao vào kiếm sống và học tập. Nó chẳng quan tâm tới bất kỳ ai, ngoài bản thân nó cả. Vi rất đau lòng khi thấy An đối xử với cô như vậy. Nhưng cô vẫn âm thầm ở bên nó. Cô kể với cả lớp câu chuyện về một cậu bé mồ côi bị đuổi ra ngoài đường, nhai bánh mì với cơm thừa để sống qua ngày.
Tất cả âm thầm giúp An. Những bộ quần áo ấm để mặc đỡ rét qua mùa đông, những cái nhìn thân thiện, những cái khoác vai và những nụ cười. Trên đời không thiếu người tốt! An thầm nghĩ. Những ngày ấy nó sống trong tình bạn và tình thương yêu. Nhưng trái tim nó vẫn còn chai lì lắm...
Hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu...
Quá khứ lại tìm đến An. Bọn chúng không buông tha cho An! Mụ đàn bà bị An tặng một quả đấm vào mặt đó nung náu ý định trả thù nó. Bà ta rất giàu và bà ta chẳng có việc gì để làm cho qua ngày, vì vậy bà ta quyết định hành hạ nó.
Kết thúc năm lớp 10, mùa hè năm ấy, An bỗng nhiên kiếm được việc làm ở một xưởng đúc đồng. Nó tưởng mình may mắn làm, lương tới 5 triệu một tháng, làm 8 tiếng một ngày. Công việc có nó là xúc đồng lỏng cho vào khuôn để đúc. Ngày thứ ba của công việc, mụ đàn bà cay nghiệt thuê một gã công nhân ở đó đổ đồng lỏng vào tay nó. An kêu ré lên, nằm bẹp xuống đất. Nó chỉ mặc quần áo thường ngày, không đồ bảo hộ lao động. Nó nghiến rang, nước mặt chảy ra và cố đi tìm nước để rửa vết thương bỏng rát.
Khi An đang quằn quại trên nền đất, mụ đàn bà xuất hiện. Bà ta cười, đá nó, nhổ nước bọt vào mặt đó, tận hưởng chiến thắng bỉ ổi của mình. An nhịn nhục và cố chạy đến căn hộ của cô chủ nhiệm. Nó chỉ kịp gõ cửa rồi ngã gục xuống...
Vết thương ở tay trái An chẳng bao giờ lành. Nhưng nó vẫn cử động được, An chỉ cần có thế. Nó không bao giờ chơi đàn lại được nữa. Và nó cũng không bao giờ tố cáo người đàn bà kia. Làm thế sẽ vô ích, bà ta có tiền, còn nó chỉ có một cánh tay què...
Những ngày ở bệnh viện, chính Vi là người ở bên nó. An sẽ không bao giờ quên những ngày ấy và những giọt nước mắt lăn trên má cô. "Không có tiền... Không có tiền" Nó nói trong cơn mê sảng. Vi chỉ nắm lấy tay nó mà bật khóc...
***
Nghị lực! Sau khi bình phục, An lại lao động mà kiếm chút thức ăn nuôi cái thân xác gầy guộc của nó. Bạn bè trong lớp cũng giúp nó rất nhiều. Vi đang dần trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp. Cô vẫn nuôi đam mê với nghiệp vẽ, nhưng đồng thời cũng giữ thành tích học khá ở trường để vui lòng cha mẹ... Tình bạn của cả hai lại nối lại, thân thiết hơn bao giờ hết.
"Cậu có đau không?" Vi hỏi khi tháy An nhăn mặt đau đớn và nắn bóp chỗ bỏng ở cánh tay.
"Có. Nhưng tớ ổn. Tớ không sao..."
Một năm học nữa lại dần trôi qua. Với những lần đi thăm quan, những buổi cả lớp vác xe long nhong trên những con đường miền thôn quê... An yêu những ngày tháng ấy. Nó, đã tìm được một gia đình... Nhưng...
Những ngày cuối năm lớp 11, báo chí đưa tin, đất nước đang đứng trước nguy cơ chiến tranh. Kẻ thù xâm lược đang lên kế hoạch xâm chiếm biển đảo của tô quốc ta! An cũng sục sôi khi nghe những tin bay tới từ khắp mọi nẻo đường tổ quốc. Những vụ gây hấn ở biên giới, những vụ tập trận và tuyển quân khắp cả nước,...
"Như các em đã biết, tổ quốc chúng ta lại một lần nữa lâm nguy! Bọn chúng chiếm biển đảo của chúng ta trắng trợn! Chúng ta phải..."
Tai An ù đi. Nó phải... Nó phải đi thôi.
An đăng ký nhập ngũ. Nó khai man tuổi. Nó van xin bác sĩ khám sức khỏe hãy duyệt cho nó để nó có thể nhập ngũ. Một cánh tay què và một trái tim dung cảm. Nó nói, rằng nó không còn người thân nữa, rằng nó không có bố mẹ. Rằng, tuy nó không thể cầm súng, nó có thể ném lựu đạn, nó có thể làm bia đỡ đạn... Nó có thể chết.
Vậy là An đi lính.
"Cậu... Cậu đi đâu cơ?" Vi lắp bắp nói "Còn những ước mơ của cậu thì sao? Sao cậu có thể làm thế... tại sao?" Vi gào lên tức giận.
"Tớ phải tạm gác chúng lại thôi..." An nói, rồi nó chỉ tay lên bầu trời mùa hạ trong trẻo "Tớ sẽ đi theo những cơn gió, tớ sẽ bay... Nhớ con chim ngày nào chúng ta tìm thấy ở góc sân trường không? Tớ không biết nữa... Bỗng nhiên tớ nhớ tới con chim đó. Nó thật tự do."
Vi chạy đi trong nước mắt.
***
Ngày lên đường ra thao trường, bạn bè trong lớp đều tới đông đủ để tiễn An. Duy chỉ thiếu mình Vi. An đã mua tặng cô một đóa violet tím như màu mực. Nhưng nó gần như bị bóp nghẹt trong những cái xiết tay, những tiếng gọi đùa "đồng chí" hay "anh lính trẻ" nghe sao mà thân thương thế. An chưa kịp tìm Vi, thì đã đến giờ khởi hành.
Nó nhẹ đặt đóa hoa Violet dưới một gốc cây phượng, nhưng bông hoa đỏ rực rơi lác đên bên cạnh sắc tím... Đỏ và tím. GIống như An và Vi...
Rồi giờ khởi hành cũng điểm. An lên xe, nhìn chăm chăm qua cửa kính, ngó nghiêm cố tìm kiếm dấu hiệu của Vi. Nó muốn nói lời tạm biệt cô. Lần cuối cùng! Có thể lắm. Nhưng cô đầu rồi...?
An không biết rằng, Vi đã núp sau gốc cây phượng đó khi nó đặt đóa violet xuống. Coo im lặng, nén những tiếng nấc. Và khi cô nghe thấy tiếng xe lăn bánh trên đường. Cô lao ra, cô chạy, cô có thể nhìn thấy đổi mắt màu đen như bầu trời đêm của An đang tìm kiếm cô. Cô gào lên, cô hét lên.
Vi chẳng bao giờ đuổi kịp. ***
30 năm sau...
Chiến tranh đã qua đi từ lâu. Giờ Vi đã là một người mẹ hiền, một họa sĩ nổi tiếng. Cô lấy một người chồng xứng đáng với trái tim của cô. Nhưng không một ngày nào, cô không nhớ về An. Về người bạn của cô năm nào... Người đầu tiên mà cô đã đem lòng yêu thương. Người dạy cho cô biết cách yêu, dạy cho cô mạnh mẽ.
Vi không bao giờ gặp lại cậu bạn nhỏ của mình. Một người bạn chiến đấu cùng An kể lại, rằng nó đã hi sinh anh dũng. Nó ôm lựu đạn mà lao vào kho lương của địch. Nếu không phá được kho lương đó thì chưa chắc quân ta đã thắng được trận chiến đó...
Một đêm mùa thu. Vi trở lại căn nhà của An. Khu đô thị xưa đã bị bom tàn phá, giờ một khu mới đang dần được xây dựng.
Vi ngồi xuống triền cỏ. Cô nằm xuống. Cô tự hỏi, không biết An có nghĩ về cô khi cậu rút ngòi lựu đạn mà lao về phía đoàn xe đó không? Vi không biết rằng, cô, là tất cả những gì An nghĩ trong giây phút ấy.
Chợt Vi nghe thấy một tiếng đàn, một ngón tay lướt lên những cung đàn buồn...
Nhạc buồn, nhưng câu chuyện vẫn buồn
VeryFreeBird