DMCA.com Protection Status
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký Ức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký Ức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Nóng! Thật sự rất nóng!
Cái nắng oi ả này, nóng đến nỗi chạm vào mặt đường mà tôi nghĩ có người sẽ tưởng rằng tôi là cái chảo chiên trứng khi chạm vào tôi. Theo kinh nghiệm sáu năm rong ruổi trên đời, tôi khẳng định nhiệt độ cũng khoảng 38-40oC. Vào lúc giữa trưa nắng gắt với nhiệt độ này, ở nhà ngủ điều hòa là tốt nhất. Nhưng hai con người này, mấy người không biết tự chăm sóc mình thì cũng nên thương xót tôi chứ. Tôi thực sự bị hai người dày vò đến khổ mà. Mới có năm tuần, vậy mà tôi cảm giác như đã trải qua năm năm. Ngày ngày lăn lộn trên đường, bản thân tôi cũng thấy rõ ràng tôi mệt mỏi, bẩn thỉu và tôi muốn ốm. Không những bị đày đọa về thể xác, tinh thần tôi cũng bị tra tấn đến cực độ. Nào là nắng gắt, mưa to đến lụt đường, đẫm mình trong những vũng nước lớn, tôi nghĩ mình sẽ không thể chạy nổi. Những con đường gồ ghề đất đá lởm chởm làm khung xương tôi muốn bung ra từng khúc. Bụi bẩn ven đường thật đáng ghét, cứ tung hoành trên từng tấc cơ thể tôi, có khi những bó rơm cứ vậy mà cuốn theo đeo bám không buông tha. Bịch! Lại bị sa vào “ổ gà” bên đường lần nữa, cái nắng và sự đau đớn làm tôi không muốn nhẫn nhịn chịu đựng nữa, tôi quyết phải phản kháng. Cho hai người biết đến sự nổi giận của ta – chiếc Wave ⍺ này đi.

* * *
- Sao vậy???
- Con cũng không biết ạ. Chắc xe chết máy rồi mẹ ơi.
Nhìn khuôn mặt mẹ tuy không còn nét thanh xuân, nhưng vẫn luôn trắng trẻo nay do nhiều ngày đày nắng mà đã đen sạm đi nhiều phần, kết hợp với một ngày bị ốm lại càng trở lên hốc hác, nhợt nhạt, tôi thấy xót lòng quá.
Tôi chán nản đá đá bánh xe:
- Mi sao vậy?
- Nếu giờ nó nói với con rằng nó mệt lắm rồi con sẽ ngất luôn đó.
Câu nói đùa của mẹ cũng thật chí lý, tôi bật cười, nhưng nhìn quãng đường còn dài phía trước, hai bên là cánh đồng mênh mông, rơm rạ rải đầy trên đường sau mùa bội thu, xa xa còn có một vài chỗ đang âm ỉ cháy, khói nghi ngút, tôi lại thấy càng tức giận, nhưng chỉ giữ trong lòng mà không dám phát tác. Tôi sợ mẹ buồn, sợ mẹ lo lắng, sợ mẹ tủi thân, sợ mẹ không cần tôi giúp đỡ nữa.
Bánh xe quay từng vòng từng vòng chậm chạp để lại vết lún chạy dài trên lớp rơm rải đường, chân muốn bước thật nhanh thật nhanh nhưng nơi này không chỉ có mình tôi mà còn mẹ và chiếc xe. Không phải mọi điều trong cuộc sống này đều như mình mong muốn, lúc này đây tôi đang cố bước thật nhanh để mau chóng thoát khỏi cái nắng nhưng bánh xe vẫn nặng nề quay chầm chậm. Nhìn sang mẹ, nhìn vào đôi mắt ấy, tôi biết, đó không phải là ánh mắt mệt mỏi, hay tức giận như tôi, mà đó chỉ đơn thuần là lo lắng, thương xót, hối hận. Lo lắng cho sức khỏe của tôi, thương xót cho từng bước chân vất vả, hối hận vì cho tôi đi cùng mẹ.
Tôi sợ, không dám nhìn vào ánh mắt đó mà quay đi nhìn đàn cò đang miệt mài tìm kiếm thức ăn giữa cánh đồng. Mẹ nói, tôi không tình cảm bằng em trai dù tôi là con gái lớn. Nhưng mẹ không biết rằng đó chỉ là do tôi yếu đuối. Tôi không đủ can đảm để nói với mẹ, nhìn mẹ khi đó tôi sẽ khóc, khóc đau đớn, tủi thân cho đến tận vài đêm tiếp theo. Tôi học xa nhà, nên lại càng thấy xấu hổ, khó khăn để quan tâm đến mẹ theo đúng nghĩa con gái đầu lòng. Công việc của mẹ không phải nghề mà người ta cho là danh giá, mẹ cũng không có được người chồng tốt, nên đã đặt cả hy vọng vào 2 chị em tôi. Luôn luôn vui vẻ nghĩ tới tương lai có tôi, có em trai, có cháu chắt nhưng lại không có mẹ. Vì lo lắng cho các con ăn học ngày càng cao hơn, mẹ không còn hài lòng với nghề thợ may mà mẹ đã gắn bó bao nhiêu năm trời. Mẹ lại chuyển sang làm photo, môi giới nhà đất, làm việc cho phường, và giờ đây mẹ lại đang cố gắng phấn đấu cho việc bán hàng đa cấp. Khi bắt đầu làm việc khác mẹ vẫn luôn duy trì công việc cũ, các cụ đã nói “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Với đống nghề này, mẹ hy vọng thu nhập sẽ khá hơn cho gia đình, nhưng rồi vui vẻ chẳng được bao lâu, tôi cũng đã nghĩ nếu mọi chuyện suôn sẻ như mẹ đang tin tưởng thì người người, nhà nhà cùng đi làm đa cấp, tôi cũng đã khuyên nhưng mẹ dường như mẹ vô cùng quyết tâm, tin tưởng vào lần này.
Quyết tâm ấy chỉ bị dập tắt khi vào một ngày trời nắng oi ả, mẹ ôm bụng ngã xuống nền gạch lạnh tanh. Rối loạn tiền đình, đau dạ dày là kết luận của bác sĩ, nhiều ngày dầm mưa dãi nắng, nhiều ngày bữa bỏ bữa không, mẹ đã phát bệnh. Càng mệt mỏi hơn khi về nhà mẹ nhận được tin một khách hàng dùng sản phẩm vừa bị cấp cứu. Còn sự lựa chọn nào khác sao? Mẹ lại gượng mình cố gắng đi đến với người khách đó. Tôi đang nghỉ hè nên ở nhà và đi cùng mẹ. Suốt chặng đường dài, mẹ lo lắng cho người khách đó, rồi lại lo lắng cho việc học hành của các con, lo lắng cho bệnh tình của bà ngoại. Tôi ngồi phía trước xe mà cảm giác đôi mắt dần nhòa đi, con đường phía trước không còn bằng phẳng mà lại trở nên nhấp nhô, cuộc đời mẹ cũng luôn không bằng phẳng như vậy sao, sinh gia trong gia đình trí thức nhưng lại không được học hành đầy đủ, mong muốn làm giáo viên nhưng lại ngày ngày làm bạn với những mảnh vải, hôn nhân không mĩ mãn, sức khỏe cũng chẳng được tràn đầy. Có thể đối với người khác cuộc sống như vậy chưa vất vả bằng ai, nhưng đối với tôi lại thấy cuộc đời mẹ vất vả, cực nhọc vô chừng, vì người ấy là mẹ, là người mỗi buổi sáng ngồi chăm chút mái tóc tôi khi còn nhỏ, là người ôm con gái nóng hừng hực chật vật chạy qua con đường đất đá, chính là người bao năm trời không quản nhọc nhằn, nắng mưa giá rét, cặm cụi làm việc cho các con ăn học, là người luôn vui vẻ kể chuyện đi làm nọ kia, khẳng định chắc nịch rằng sức khỏe mình vẫn tốt, nhưng giọng nói khàn khàn, có phần hụt hơi, đứt đoạn đã bán đứng chính mình. Tôi cũng biết mẹ không cần gì nhiều, không cần nhà cao cửa rộng, xe đưa xe đón, mà chỉ cần cuộc sống bình yên, êm ả, nhìn các con thành công, hạnh phúc đới với mẹ đã là vô cùng mĩ mãn. Giống như người khách hàng mà mẹ và tôi đang tới đây, ngày ngày nội trợ, chăm lo cho cho cháu, nhẹ nhàng, bình thản mà vui vẻ.
Vừa trở về nhà, tôi liền nấu cho mẹ bát cháo, nhìn mẹ uống thuốc và sắp xếp cho mẹ nghỉ ngơi. Cũng may gia đình người khách ấy rất ôn hòa, không gây gổ mà chỉ đưa lại sản phẩm cho mẹ mang về mà thôi, mẹ lại rối rít cảm ơn họ, và khẳng định với tôi rằng không tiếp tục làm nghề này ữa. Tôi tranh thủ lên mạng đọc ít báo, nói chuyện với bạn cho thoải mái. Cho đến lúc phát hiện ra mẹ đang đứng phía sau, với ánh mắt dường như giận dữ. Nồi thuốc đang đun trên bếp bị cháy, mẹ mệt mỏi thức dậy, tôi lại đang dùng máy tính. Mẹ bắt đầu mắng mỏ, giận giữ, tôi thực sự cảm thấy vui vui, vì giọng mẹ đã có sức hơn nhiều.
Ngày hôm sau bố đưa tôi ra bến xe để đến trường, nghe bố nhắc nhở một vài việc, lại nhìn sang bên cạnh có cô bé lần đầu xa nhà, đang nghe mẹ dặn dò mà phụng phịu. Tôi thầm nghĩ, giờ đây đi xa, liệu cô bé ấy từng nghĩ sẽ được mình sẽ còn gặp mẹ bao nhiêu lần nữa. Khoảng cách 2000km, một năm được về nhà hai lần thì thời gian ở bên mẹ còn được bao nhiêu. Tôi nghĩ đến mẹ cũng đang ở nhà chờ đợi, tóc bạc của mẹ vẫn luôn ở đó, cứ mỗi lần tôi về lại nhổ, nhưng lần sau về chúng vẫn kiên cường, bướng bỉnh dài như cũ. Thời gian sẽ luôn trôi đi, đối với nhiều người nó lại trôi nhanh một cách phũ phàng, tôi xa mẹ chỉ 100km, vẫn luôn kịp về nhà nhổ mấy sợi tóc kia, nhưng mẹ cô bé này thì sao? Sáu tháng, quãng thời gian không hề ngắn với những người thương yêu nhau. Nhưng cho dù thế nào chắc chắn người mẹ đó sẽ đợi được vì chẳng phải người mẹ nào cũng giống nhau sao, hay nhiều chuyện, rắc rối, nhưng luôn dành cho con cái mình những điều tốt nhất, cho dù là nhỏ nhất, ví dụ như nhổ những sợi tóc bạc.
Cô gái nhỏ ôm mẹ mình, nói một câu, khuôn mặt người mẹ ấy bỗng chốc sáng rực. Tôi thở dài, tới khi nào tôi mới đủ can đảm, không còn ngốc nghếch đến bân cạnh mẹ và nói với mẹ câu đó “Con yêu mẹ nhiều nhiều”…
Lục Bình QT

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Mỗi lần cất giọng hát bài “Mừng tuổi mẹ”, chưa bao giờ con hát trọn được bài. Con sợ làn gió lay nhẹ làm má chết đi, con sợ mình phải mồ côi dù tuổi đã lớn, con sợ vì mình không thể thay đổi được luật của tạo hóa để giữ má lại với con.


Má kính yêu!
Con nay sắp bước vào tuổi 50, sức không còn khỏe nữa. Còn má thì đã gần 90, lưng đã còm vì bệnh cột sống. Con đang ở xa má hơn trăm cây số. Hôm nay trời có lẽ bão, mưa suốt từ đêm đến giờ, văn phòng vắng khách, con ngồi nhìn mưa rơi mà lòng nhớ má khôn xiết.
Không hiểu vì lẽ gì mà khi ở bất cứ đâu, hễ là trời mưa thì con lại nhớ má, lòng cứ bồn chồn khó tả, mấy chục năm rồi vẫn vậy. Có lẽ ký ức từ thời thơ ấu con không quên được hình ảnh thân cò lặn lội kiếm từng con cá nhỏ dưới những cơn mưa dầm vì con đang đói.
Con mồ côi cha khi mà trí nhớ chưa đủ hoàn chỉnh để ghi nhận hình ảnh của người, má dẫn chúng con đi nay đây mai đó để tránh bơm rơi đạn lạc. Về đến vùng đất cuối cùng cực nam đất nước, gia đình ta may mắn nhờ vào sự đùm bọc của nhiều người bà con bên nội, má gây dựng từ đầu. Cứ sống ở đâu má cũng phải gây dựng từ đầu như thế.
Rồi cùng một căn nhà lá đơn sơ mà bị hai lần bom nổ tan hoang, bầy heo bầy gà vừa tích cóp nuôi được cũng theo bom đạn đi hết. Má đùm túm cả nhà về lại quê hương, trong túi xách có mỗi bộ đồ cho mỗi người và ba trăm đồng tương đương với mấy giạ lúa thời đó. Tài sản hồi hương chỉ có vậy, má lại bắt đầu gây dựng.
Hòa bình rồi, ba đứa con má vẫn nguyên vẹn, má nói như vậy là má mừng lắm rồi vì da thịt má không đủ sức để che bom đạn cho chúng con. Bây giờ cảnh chết chóc vì chiến tranh không còn nữa, chỉ làm sao đừng để chết vì đói thôi, đó là lời tự nhủ của má mỗi khi răn dạy chúng con.
Mấy năm sâu rầy hoành hành, giặc chuột tấn công, mùa màng thất trắng, xóm mình đã có vài người chết vì đói. Má và anh hai rong đuổi trên chiếc xuồng con có tải trọng chỉ khoảng 5 người ngồi, má ở mũi anh hai sau lái để chèo, dọc ngang khắp vùng sông nước miền tây, mua đi bán lại từng món hàng nông sản kiếm lời.
Xuồng không mui nên mỗi lần trời mưa má trùm tấm nilon chịu đựng cho tới khi mưa tạnh. Cứ thế ngày qua ngày, đêm qua đêm, năm này sang năm khác, lênh đênh trên sông nước. Anh hai sức trẻ còn chịu đựng được, còn má khi ấy đã vào tuổi con hiện giờ.
Con cảm nhận được sự cực khổ đó vào mùa hè năm 1984, khi vừa biết kết quả đậu vào trường đại học thuộc hàng danh giá nhất Sài Gòn. Má mừng lắm nên thưởng con bằng chuyến hành trình trên sông nước để về thăm lại những người từng giúp đỡ gia đình mình ở nơi cuối cùng của tổ quốc. Chuyến “hải trình” dài 5 ngày 5 đêm trên chiếc xuồng mộc mạc đó và cũng từng ấy thời gian để trở về nhà, đủ để con thấm cảnh khổ cực mà má trải qua bao nhiêu năm.
Đó là chưa nói đến chuyện vượt qua mấy nhánh sông Cửu Long gặp mưa bão và sóng gió bất ngờ, rủi ro, chết chóc trong cơn sóng dữ may mắn không đến với má con mình, mà lại ập vào số phận của những người đồng hành không may mắn khi tìm cách vượt sông. Sau lần đó con không cho má lênh đênh trên sông nước nữa. Nhưng má nói rằng nếu không như vậy thì làm sao có tiền cho con học tiếp đại học trong khi ruộng ở nhà không đủ đất để ném chim?
Rồi má lại tiếp tục đội mưa, tiếp tục tay chèo tay chống cho tới ngày con tốt nghiệp đại học. Anh hai là con rể còn phải vướng bận nhiều vì con cái còn nhỏ, không thể tiếp tục cùng má rong đuổi trên sông kiếm từng đồng lời dù có sự bảo bọc của má. Tuổi ngày một lớn, sức ngày càng kiệt, một mình má không thể ngược xuôi nên đành gác chèo để lên bờ xuống ruộng, tiếp tục công việc đồng áng.
Đã bao nhiêu năm nay con lập nghiệp xa nhà, má nhớ con, nhớ cháu nội rồi má khóc thầm. Con rước má về với chúng con thì má bảo không chịu được cảnh cửa đóng then cài suốt ngày, giống như bị giam cầm vậy. Ở thành phố thì phải vậy thôi má à, đâu thể nhà không cần gài cửa như ở quê mình được. Má có nhiều bạn bè thân tộc ở gần, còn thành phố thì không có ai, vậy là má quyết định không sống với con mặc dù thương nhớ. Nhờ có chị con ở cận kề nên con đỡ lo.
Má ơi! Từ trong cõi lòng con không muốn xa má dù chỉ một ngày. Sự nghiệp và cuộc sống con hôm nay cũng nhờ vào mồ hôi và nước mắt, thậm chí còn phiêu lưu cả mạng sống của má. Cả đời con mang nặng tình mẫu tử thâm sâu này, cho đến bao giờ con mới trả hết được? Nói vậy chứ cái thiêng liêng ấy có ai đem cân đo đong đếm được đâu, quan trọng là phận làm con phải ra sao để xứng đáng với những điều cao quý ấy.
Mỗi lần cất giọng hát bài “Mừng tuổi mẹ” trong một dịp nào đó, chưa bao giờ con hát trọn được bài. Con sợ làn gió lay nhẹ làm má chết đi, con sợ mình phải mồ côi dù tuổi đã lớn, con sợ vì mình không thể thay đổi được luật của tạo hóa để giữ má lại với con. Con cũng biết điều chắn chắn là má sẽ rời xa con vĩnh viễn nhưng không dám nghĩ tới ngày đó nó ra sao và con có còn khóc được nữa không. Và con cũng chắc chắn nước mắt trong lòng mình còn nhiều lắm, nước mắt nhớ má.
Bài thơ này con viết đã lâu, vào một đêm không ngủ, ngồi nhìn qua khe cửa sổ đếm từng giọt mưa rơi. Con đã cất giữ trong lòng từng ấy năm, giờ con chép lại xin gửi tặng má:
Con đi đã bao xa?
Cũng gần thôi mẹ ạ
Sao lòng mẹ nhớ quá
Tết nay con về mà.
Mẹ tôi nay đã già,
Lưng còng, đầu trắng bạc.
Mái nhà tranh rách nát
Gió tạt chái hiên nhà.
Đời lam lũ phong ba,
Cho con thành người lớn.
Trán nhăn đầy sóng gợn,
Cho con lướt vào đời.
Con thương lắm mẹ ơi!
Thức đêm dài mẹ đợi
Cho già thêm nổi nhớ
Con vẫn bặt tăm hơi.
Con đi xa bao năm qua mẹ đợi,
Với thân gầy còm cõi. Con tự hỏi mình là ai?
Thức đêm mới biết đêm dài
Thấu cho tình mẹ, mới hay lòng mình!
Minh Tuấn
Góc Tâm Hồn Nhỏ - Tuổi thơ tôi khi bố ở bên cạnh là cả một bầu trời nắng lung linh vàng bát ngát, là những chiều hè oi ả. Là cả bãi cát dài lấp lánh ven sông, là những cơn gió lộng, là những mùa đông giá rét có chiếc bánh mì ấm nóng…


Vũ trụ của trái tim tôi là một người rất đặc biệt, rất gần bởi nỗi nhớ và rất xa bởi khát khao. Nhà tôi cách sông Hồng không xa, ngày còn nhỏ vào những mùa mưa lũ, chiều chiều bố thường hay đưa tôi đi qua những con đường mòn đỏ bụi phù sa, đứng ngắm nước sông Hồng lên. Tôi là con út, khi sinh tôi ra bố đã khá lớn tuổi. Ở vào độ tuổi bên kia dốc của cuộc đời, người ta chẳng còn thiết tha gì những ganh đua đời thường. Người ta muốn xa lánh những tỵ hiềm, đố kỵ, bon chen.
Bố bắt đầu cuộc sống an nhàn, thảnh thơi của mình bên con cái, tận hưởng những điều giản dị gần gũi nhất của cuộc đời. Bố thích sưu tầm thơ và cũng hay viết thơ. Những vần thơ đượm một nỗi buồn nhân tình thế thái, những vần thơ khát khao bình yên.
Tuổi thơ, bố là người thường ru tôi vào giấc ngủ mỗi đêm. Tôi nằm úp trên ngực bố, hoặc có hôm ôm lấy cánh tay rắn rỏi, gác chân qua bụng to của bố và thiếp đi sau những câu chuyện thời cuộc chinh chiến, bom đạn, khói lửa một cách êm đềm. Càng lớn tôi càng hay được bố cho quấn quýt đi chơi cùng, đến nhà các bạn của bố bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, qua những còn đường mòn sỏi đá. Bố tự hào cô con gái nhỏ láu lỉnh, còn tôi háo hức mỗi lần bố gọi đi chơi.
Bố cõng tôi trên lưng đi mua những viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ, mua những chùm hồng bì trị ho, nâng niu chiều chuộng từng bữa ăn giấc ngủ non trẻ. Tuổi thơ tôi khi bố ở bên cạnh là cả một bầu trời nắng lung linh vàng bát ngát, là những chiều hè oi ả. Là cả bãi cát dài lấp lánh ven sông, là những cơn gió lộng, là những mùa đông giá rét có chiếc bánh mì ấm nóng, là những trưa bố đón đưa học về, là bình yên và yêu thương vô bờ, bất tận.
Tôi từng hạnh phúc như thế, cho đến một ngày… Bố bị ngã xe, gãy chân và phải bó bột. Xương vỡ và bố bị nhiễm trùng cộng với việc huyết áp cao từ trước khiến sức khỏe càng tệ hơn. Bố phải nằm một chỗ, mấy tháng liền mọi việc ăn uống, sinh hoạt của bố tôi đều lăng xăng chạy xung quanh. Bố có thói quen uống cà phê sáng tôi pha. Bố thức đêm nghe FM phần bình thơ, tôi nằm cạnh ôm bố, và tôi vẫn thói quen nằm úp mình lên vòm ngực rắn chắc ấy thiếp vào giấc ngủ.
Hạnh phúc tưởng chừng mãi êm đềm thế nhưng số phận khó lường, họa đến chẳng cách nào cưỡng nổi, cũng chẳng thể nào gánh vác thay. 9 tuổi, người ta chưa thực lớn nhưng đủ để hiểu về tình trạng sức khỏe của những người thân yêu gần gũi nhất xung quanh mình. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày giỗ nội, người ăn uống kém đi nhiều, dạ dày không còn vâng lời ngoan ngoãn, bố nôn ra tất cả những gì vừa đưa vào miệng.
Mẹ và tất cả anh em con cháu đều lo lắng, cuống cuồng đưa bố đi viện. Bố xanh xao xoa đầu tôi, không dặn dò đứa con út bé bỏng, còn tôi chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Thời gian nằm viện của bố chỉ có 3 ngày ngắn ngủi nhưng lại dài đằng đẵng với tôi, với mẹ, và những người thân yêu nhất của bố. Chú hai chạy đi chạy lại, lo cho anh trai và các cháu, tôi có cảm giác cái gì đó rất phức tạp và không thể gọi tên, vừa như rất sợ hãi, vừa rất hụt hẫng, vừa như rất lạc lõng.
Ngày thứ ba, bệnh viện trả về nửa đêm, chú hai mặc cho tôi chiếc áo khoác ấm và đưa người thân xuống đón bố về. Ngồi trong ôtô, không gió lạnh mà lòng tôi buốt nhói. Trên giường bệnh, bố nhắm mắt, nằm bất động, ống thở, dây nhợ, và đủ thứ linh tinh khác chẳng còn ý nghĩa gì nữa, ánh đèn vàng hòa cùng mùi thuốc thang với đôi mắt đỏ ngàu của mẹ tạo nên một màu trắng xóa trong tim tôi. Không gian lạnh lẽo, yên tĩnh đến rợn người.
Tôi chưa bao giờ sợ điều gì đến thế, cứ như thể thế giới đang tuột khỏi tay mình, và xuất hiện một hố sâu hun hút đen tối đang cố tìm cách dìm tôi xuống đó. Chú hai và bác sĩ chuyển bố ra xe, tôi ngồi bên cạnh, cảm thấy thật gần nhưng lại rất xa, yêu thương còn trong tim mà sao lại nhức nhối. Về đến nhà, rất đông người, sáng hôm sau nhà vẫn đông, có rất nhiều nước mắt, rất nhiều tiếng khóc.
Tôi sợ không gian này, sợ âm thanh này và tôi đã nhìn thấy mất mát đang đến gần lắm rồi, vậy mà tôi không thể, cũng không đủ can đảm để chấp nhận. Tim tôi bắt đầu nỗi cô đơn chống chếnh đầu tiên, nỗi cô đơn ngây thơ và non dại, nỗi cô đơn hòa trong đau đớn. Dường như mọi thứ vừa đổ ụp xuống, hạnh phúc vụt bay, bình yên vỡ vụn, tuổi thơ tan tành.
Tôi đau nỗi đau bản năng đầu tiên khi mất đi người yêu thương mà không gì chống đỡ nổi. Bố, vũ trụ bao la của tôi vẫn nằm trong trái tim bé nhỏ, vẫn thổn thức từng nhịp, mà tôi không thể đi xa hơn, không thể kéo gần lại, không thể sờ tay, không thể chạm, không thể ôm ấp…, chỉ thỉnh thoảng nhớ và mơ rất nhẹ nhàng nhưng tràn đầy tha thiết.
Đôi khi tôi nhắm mắt tự huyễn hoặc mình về một cuộc sống có bố, có nụ cười hiền, có vòng tay ôm siết, có tiếng nói, những câu mắng yêu và cả khi bố ngồi trong ghế đại diện họ nhà gái vào ngày cưới của tôi nữa. Và tôi tự hỏi cuộc sống sẽ khác đi thế nào nếu một người có vị trí quan trọng không bước chân ra khỏi cuộc sống của một người.
Dần dần lớn lên, tôi không vô tư như bạn bè, đanh đá hơn, mạnh mẽ hơn, ích kỷ hơn, và bằng mọi giá tôi không muốn ai thấy mình yếu mềm, kể cả khi nỗi buồn đã dâng lên ướt mi mắt. Tôi thường cố gắng lờ đi sự nhỏ nhen, thèm khát và ghen tị đang dâng lên trong lòng mình mỗi khi bạn bè xung quanh được quan tâm từ bố họ. Tôi phải cố làm ngơ. Tôi tự an ủi, mình cũng có niềm hạnh phúc của mình, tôi phải học cách hài lòng với những gì tôi có.
Hôm nay, tôi rất buồn và cũng rất nhớ con người hiền từ mà tôi gọi là vũ trụ ấy. Vị trí này trong tim tôi hôm qua đã vậy, hôm nay vẫn thế, và ngày mai cho dẫu thế nào cũng không bao giờ thay đổi, tuổi thơ tôi và yêu thương ấy vẹn nguyên, vĩnh cửu.
“Hoa thơm nở trong rừng vắng
Hạc trắng bay về núi non
Đá hồng phơi mình dưới nắng
Biển cả mênh mông sóng tràn.
Chim kêu vượn hú buồn tênh
Sương xuống ướt đầm ngọn cỏ
Đóa Quỳnh nửa đêm hé nở
Thơm ngát vầng trăng thượng huyền.
Kiếp người bóng xé chiều nghiêng
Hun hút đường vào thiên cổ
Xua tay giã miền đau khổ
Về với thiên nhiên vĩnh hằng”
(Hà – Vnexpress)

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Đêm nay, bão lại về… Đứng ở một thành phố khác trông ngóng về quê hương mùa bão, chỉ mong trời nhẹ bớt mưa, gió bớt mạnh, đường bớt ngập, sông bớt đầy cho quê con được bình yên.


Con vẫn luôn tự hào vì được mang trong mình dòng máu của con người miền Trung. Mảnh đất quanh năm lam lũ với những bộn bề lo toan, khốn khó… hết chống chọi với nắng gắt hanh khô, rồi lại gồng mình lên đương đầu với thiên tai bão lũ…

Những ngày này trời đang vào mùa mưa, bão lũ dồn dập kéo về mảnh đất nơi con sinh ra như muốn thử thách cái tính bền bỉ, vững chãi; như muốn thử lòng cái nết chịu thương chịu khó của những con người ở nơi đây…

Quê con ơi…

Con vẫn nhớ như in những cánh đồng lúa trổ bông ngập chìm trong vùng nước trắng. Bao công sức, bao giọt mồ hôi chát mặn nước mắt, người dân nghèo quê con đem thổi vào những hạt thóc trổ cây, những cánh đồng hoa màu chỉ chờ đến mùa gặt… Giờ đây, nhìn bát cơm của mình đang xuôi theo con nước mùa bão nổi, quê con ngậm đắng vào lòng, biết trách ai đây…

Nhìn cơn mưa xối xả, mưa trắng trời, trắng đất ngoài kia… mỗi đợt mưa rơi là mỗi lần quê con phải oằn mình lên để tránh lũ. Gió gào thét từng cơn, đập vào từng thanh cửa gỗ; hàng cây đổ xào xạt, nghiêng ngả theo từng đợt gió nổi; đêm hun hút bão về như muốn nuốt lấy cả quê con…

Rồi hình ảnh những con sông dữ tợn lên vì nước vẫn ám ảnh con khi cơn bão đi qua. Còn đâu con sông yên bình vắt ngang lũy tre buổi trước. Nước chảy ồ ạt, dồn dập, cuốn hết tất cả mọi thứ trôi theo dòng lũ. Tiếng trẻ con khóc thét, tiếng người lớn buồn rầu nhìn ngôi nhà mình tan hoang theo từng bước bão…

Từ ánh đèn dầu leo lắt trong những căn nhà tạm bợ trông ra, chỉ thấy quê con mênh mông một biển nước.

Mỗi năm, bao lần bão quét, khúc ruột miền Trung lại thương tổn, đau đớn thêm bấy nhiều lần…

Có đứa trẻ mắt buồn nói mất cha… Có người mẹ già khóc gào tên con trong mắt bão… Có đôi vợ chồng nhìn đàn con nheo nhóc, đưa mắt nhìn ngôi nhà mất mái đã cuốn theo dòng lũ trôi…

Con ước một lần ông trời thương lấy mảnh đất miền Trung… Đừng để nắng cháy khét da, đừng để lũ về quê con lại đói…

Đêm nay, bão lại về…

Đứng ở một thành phố khác trông ngóng về quê hương mùa bão, chỉ mong trời nhẹ bớt mưa, gió bớt mạnh, đường bớt ngập, sông bớt đầy cho quê con được bình yên. Chỉ mong người quê con mạnh mẽ, để qua bão lũ, con vẫn được thấy những nụ cười sáng, lấp lánh sau những nếp da nhăn…

Con thương lắm, quê con ơi!

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Ngày trước, khi muốn thư giãn hay để quyết định một chuyện gì đó mà cần tập trung suy nghĩ, mình thường lên Đầm Sen, nơi có Sen, có người trồng Sen và có người yêu Sen. Mình đã bỏ Phố lên Đầm rất nhiều lần, không ít lần vui, không ít lần buồn, một vài lần chẳng vui cũng chẳng buồn…


Ngày xưa ơi còn đâuNhưung bây giờ lên đấy mình buồn quá, cuối tuần trước mình có lên, một mình, nhưng thấy Đầm Sen thật xa lạ quá, bọn teen và cả bọn tiền mãn teen nữa, chúng nó cứ như ruồi bâu vào những đóa hoa Sen để chụp ảnh, nào thì áo dài áo ngắn, yếm đào, yếm trắng, rồi những thứ trang phục không biết là quần hay áo nữa…cứ xô bồ khuấy động cả không gian vốn yên tĩnh và trong lành. những hành động khiếm nhã, những lời nói vô duyên, những cái nhìn trần tục, cứ ồn ào, ồn ã… làm cho Đầm Sen đã không còn là của riêng mấy chú cháu mình nữa. Đến cả chú Trọng cũng phải lâu sau mới nhận ra mình đứng đó, có phải mình quá nhỏ bé hay là tại Đầm Sen quá nhiều người, và chú thì đang mải hái hoa bán cho khách, chèo thuyền đưa khách ra hồ “pâu” ảnh??
Đầm sen của mình bây giờ như thế này này:
Liệu rằng có bao nhiêu bức ảnh được chụp trong ngày hôm đó, và cả nhiều bức ảnh chụp của nhiều ngày khác ở Đầm, sẽ được “pốt” lên internet để “sâu” hàng? Bao nhiêu bức sẽ giúp chủ nhân của nó có được danh hiệu sành điệu củ kiệu hay lãng mạn? bao nhiêu bức sẽ giúp chủ nhân của nó tìm được “ pát nờ” ứng ý nhờ chỉnh sửa người và cảnh? Và bao nhiêu bức sẽ giúp chủ nhân của chúng lưu giữ thật sự những kỷ niệm về một góc Hà Nội?
Hay là mình ích kỷ quá, cứ muốn giữ những cái gì đẹp cho riêng mình. Chắc phải lâu lắm nữa mình mới lên lại Đầm Sen, và lần đó chắc chắn phải là vào mùa Đông. Haizzzzz!!!
(Cánh hoa bưởi)


Sáng nay chúng tớ đến nhà cậu. Trời hơi mưa, những ngọn đồi xanh sẫm in trên nền xám rầu rầu, bãi cỏ ngậm nước nằm im lìm dưới gót chân lũ bò đang nhẩn nha cúi xuống.
Mẹ cậu gầy và xanh như cọng cỏ. Mẹ cậu buồn và đẫm nước như giọt sương cong trĩu cành. Chúng tớ chào cậu, cậu chẳng nói câu nào, cứ nhìn bằng ánh mắt xa xăm quá.
Chúng tớ vòng qua con đường dốc ngoằn ngoèo, lối mòn đất quanh co gập ghềnh men theo những ngọn đồi im lìm rũ tóc, sương sớm vẫn chưa kịp tan, phủ trên đỉnh đồi một màu bàng bạc day dứt.
Chúng tớ đi dọc con suối trong veo, lác đác những bậc rêu xanh trễ nải, không khí loãng và thanh tịnh. Họa hoằn có tiếng bước chân của những người dân lạo xạo chen giữa âm thanh lành lạnh của gió thổi, tiếng chim chóc cất lên đứt đoạn như những hồi chuông thủy tinh lắc rắc rồi vỡ vụn.
Chúng tớ ngồi bên cậu, trò chuyện với cậu giữa tiếng gió lau lách qua ngọn đồi vừa mới đốt, đất còn đen nhám và từng đám lá cháy vàng phủ xuống lặng lẽ đơn độc. Sao cậu chẳng nói câu gì. Cậu chỉ cho bọn tớ cánh chim trắng vừa sượt qua trước mặt rồi biến mất sau đám cây, một cây cầu nhỏ không có thanh vịn bắc chênh vênh qua con suối, dưới làn nước trong veo là những viên sỏi to, nhỏ màu đen được thời gian mài phẳng lì.
Cậu chẳng nói câu nào, nụ cười của cậu đã tan thành gió khuất sau đồi cây vàng lá, tiếng cậu thành tiếng suối chảy róc rách qua những viên sỏi đen phẳng dưới chân cầu, ánh mắt cậu là đám sương mờ đỉnh đồi sắp sửa phai đi. Câu không kịp nói ngay cả một lời vĩnh biệt…
49 ngày từ khi cậu không còn trên thế gian nữa. Tai nạn bất ngờ hồi Tết đã khiến đôi mắt cậu vĩnh viễn khép lại ở tuổi 21.
Cậu vẫn xòe cười trong ảnh đấy thôi, chiếc bờm tóc kẹp trông thật điệu đàng, những tờ giấy nhớ cậu dán trên tường như mới được viết hôm qua bảo rằng cậu còn phải mua len nhờ một bạn trong lớp dạy cách đan khăn, cậu phải hoàn thành nốt bài tiểu luận.
Từ balcon phòng cậu nhìn ra ngọn đồi xanh ngát, bãi cỏ rộng thẩn tha lũ bò cúi đầu ăn mưa. Cậu cũng đã nằm dưới chân đồi, bên cạnh một con suối trong, nhìn ra thảm lá vàng vừa bị đốt, mặt đất nhám đen uể oải. Có bình yên không Cậu?
Chúng tớ tạm biệt cậu. Cậu như cánh chim trắng sượt qua ánh mắt rồi biến mất vào rặng cây. Cuộc đời của con người mỏng manh và ngắn ngủi đến nhường ấy. Nhưng tớ biết, lòng yêu đời đã một lần ghé đến thì sẽ ở lại mãi mãi, nhé?
(Diệp Đăng)

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ mới thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người ta biết sẽ không bao giờ bé trở lại được.

Nhớ tuổi thơ trẻ dại ngày ấy. Nó có một bà nội nuôi – vì bố mẹ hay gọi bà là mẹ. Bà đi bán thị khắp xóm. Ngày ấy cả gia đình còn ở khu tập thể của công ty bố mẹ cấp. Cứ đến mùa thị là bà lại đi bán, thị của bà to mà thơm lắm, thích mê luôn. Gặp nó bà không bao giờ bán mà lựa một trái thật to để cho, còn xoa đầu: “ Bà cho thị thì phải học giỏi, ngoan ngoãn nhé cháu”. Khoanh tay dạ bà rồi chân ngắn chân dài chạy về nhà khoe mẹ, cất luôn trái thị lên đầu giường để dành ngửi và mơ mộng cô tiên sẽ hiện ra.

Bố mẹ mua đất, thế là rời khu tập thể. Cái nơi mà nó suốt ngày bị mang tiếng “vác chén đi xin ăn”. Cơm nhà thịt cá không thèm, cứ mang chén sang hàng xóm ăn với muối vừng thì thích lắm. Đến nỗi mẹ phải góp gạo cho người ta để họ “cho” lại con mẹ cơm. Và nó cũng xa cả bà… Từ đó trở đi, nó không còn nghe bất kỳ tin tức nào về bà nữa. Rồi ít nhớ, rồi dần quên… Trẻ con là vậy, giờ lớn muốn tìm thông tin của bà cũng không biết tìm đâu. Cả bố và mẹ đều không biết.

Về nhà mới, ít người hơn nhưng nhiều cây hơn. Xung quanh toàn là trồng lúa, sắn, ngô, khoai… Nhớ những đêm cả lũ con nít xúm nhau đi ăn trộm, bị phát hiện vắt giò lên cổ chạy. Thế mà về nhà hỉ hả cười khoái chí, rồi luộc lên bằng ba mớ củi lượm lặt từ những nhánh cây khô và cái nồi sứt quai ai đó vứt bên đường. Nhớ mãi cái ngày đi bắt ốc, bắt cua ngoài đồng cùng ông ngoại. Út bị ông ngoại nhấn sình ngập đầu, thế nhưng không những không khóc mà còn cười khanh khách. Về nhà lại còn méc mẹ, mẹ chỉ biết cười trừ rồi trách yêu ông không chăm cháu. Ông cười ha hả: “Cho nó quen mùi đồng ruộng mà cứng cáp”.

Tuổi thơ đi học bằng chiếc xe đạp liên xô cũ xì, ba chị em chất chồng lên nhau. Thương em, nó è lưng chở, ngày nào cũng đi qua con dốc cao, có lẽ vượt cả chiều cao của nó bây giờ. Nó đạp xe riết mà giờ cao có 1m55, còn hai đứa em đứa 1m65, đứa 1m7. Ngày đó bố mẹ vật lộn với kinh tế vừa qua bao cấp, không có thời gian đưa đón, kể cả đưa đón vào ngày thi chuyển cấp 1 lên 2. Thế mà nó vẫn một mình một thân đạp xe đi thi, trưa sợ chạy về nhà không kịp xem bài, nên dặn mẹ gói cho nắm xôi đậu phộng mang theo. Trưa về trường, một mình chui vào một xó lớp, vừa mở gói xôi lên ăn vừa ôn bài. Vậy đó, mà điểm chuyển cấp là á quân. Tự hào lắm chứ, thi vào trường chuẩn lớp chuyên mà điểm cao ngất ngưỡng.

Nó biết, tuổi thơ của nó có cả niềm kiêu hãnh của bố và mẹ. Giờ nhắc lại mẹ cứ nước mắt lưng tròng mà xót xa:“ Nó tội nghiệp nhất nhà, mãi lo cho hai em nên mãi không lớn được. Mẹ thương lắm”.

Giờ đây, khi đã lớn rồi. Nó không biết có còn duy trì được cái tinh thần ngày xưa đó khi hàng ngày phải đối chọi với cuộc sống phức tạp, bon chen ở thành phố này không nữa? Nhưng nó biết, nó sẽ luôn nhớ về cái thời trẻ thơ ấy và cái niềm tự hào cho một nghị lực lúc trẻ dại để luôn nhắc nhở bản thân vượt qua những gian nan của ngày hôm nay.
Góc Tâm Hồn Nhỏ - Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.

Một ngày kia tôi lén ăn cắp mười lăm đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp. Vì sợ hãi, tôi đã không dám dứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:

- Thưa cha, con trót dại…

Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như ko thở được nũa.

Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:

- Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!

Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.

Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.

Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:

- Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.

Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy nhỏ bên gối tôi với lời nhắn nhủ: “Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.”.

Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời.

Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

***

Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số iền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.

Một hôm đang ngồi học trong phòng, Một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:

- Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.

Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:

- Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?

Em cười đáp lại:

- Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.

Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.

Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:

- Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!

Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.

Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.

***

Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chay máu.

Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười:

- Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!

Năm ấy em 23 và tôi 26.

***

Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi.

30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.

Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đỏ vỡ vì sự xuất hiện của một người đàn bà khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.

Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa. Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình. Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.

Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.

Năm ấy em chỉ vừa lên 5.

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Có một ngày, niềm đau lướt qua môi tôi rất nhẹ. Một cái ôm gãy gọn như cơn gió la đà phủ xuống lòng tôi một dạo. Sau nụ hôn ấy là cơn sốt nóng lạnh và những nhịp đập thất thường trong con tim đã bao lần dập vùi mưa nắng. Con tim này yếu ớt lắm. Nó cứ ngày một nhẹ dần đi, nhỏ lại, có lẽ sự biến tan chỉ còn là thời gian trong thì hiện tại.

Ví mà có thể nằm mơ bây giờ. Tôi gục xuống chiếc bàn có lọ hoa sen hồng còn đang cố nở hết những mông lung. Có mùi hương thơm ngan ngát như ngày anh đến. Ngày ấy những giọt lệ của hoa hồng còn chưa biết mọc gai. Và tôi, còn chưa biết make up cho những nỗi buồn một cách khéo léo.

Ngày con tim ốm. Tâm hồn ốm. Những gì còn sót đọng để níu với tôi lại là mùi hương của sen. Tôi chìm vào mơ tưởng. Hình như chân đang men theo lối mòn xưa. Hình như vừa đi qua một giàn hoa tường vi. Hình như phía trước có cây cầu bắc qua con sông thương nhớ…

Ngày xưa tôi đã từng yêu. Yêu tha thiết một người đàn ông thích mặc màu áo trắng. Những năm dài đi học. Con đường hoa ấy cứ nở mãi một màu vàng hoang hoải si mê. Ngày xưa người chưa từng nói một câu yêu đương mà chỉ nhìn bằng đôi mắt dịu dàng sâu thẳm. Ngày xưa người chưa hò hẹn nhưng bàn tay thì đã muốn nắm bàn tay…

Rồi người vỡ đi như một tấm gương màu lục lam. Những mảnh vỡ ấy cứ nhè nhẹ mà bay lên ngưỡng cửa thiên đàng. Một tình yêu màu đỏ. Một tình yêu màu xanh. Một tình yêu có những dư vị dịu dàng một đời không quên nổi. Ấy là tình yêu thứ nhất của tôi…

Đôi chân lại lê từng bước theo lối mòn xưa cũ. Thấy có tiếng đàn và bản nhạc rất quen. Bản nhạc được dạo lên từ chiếc guitar cũ kỹ nhưng đầy những thanh âm thổn thức. Tiếng đàn vọng ra từ một khu vườn. Tôi ngó nghiêng qua từng kẽ lá. Thấp thoáng một bóng dáng ai đó với nụ cười dịu dàng mê muội. Và tôi lại yêu. Ấy là tình yêu thứ hai…

Cuộc đời. Trăm năm dừng lại ở ngọn đồi và lời từ giã. Ngày xưa tôi đã si mê như thể con tim được làm từ những cánh hồng. Mỏng, nhẹ mà lại cháy bỏng đến điên dại.

Ngày xưa tôi đã ngây thơ lắm. Tôi ngỡ cuộc đời là một viên bi nhiều màu sắc thích mắt. Tôi ngỡ cuộc đời ai khi mỏi mệt đều sẽ tìm thấy một chốn để dừng chân. Những ngây thơ vẫn còn đeo bám tôi cho tới tận bây giờ. Khi tôi thấy đời mình đang chìm xuống một cách nhẹ nhàng nhất. Lục, lam, chàm, tím ở xung quanh…

Tôi ngày xưa và tôi bây giờ chẳng khác xa nhau là mấy. Tôi bây giờ vẫn sống bằng những điều giản dị bé nhỏ mà tôi tìm thấy trong một ngày. Vẫn nhớ và tha thiết yêu những giai điệu của Trịnh. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui để quên đi những nỗi buồn từ trong ngóc ngách. Tôi lượm nắng, lượm gió, lượm mưa mời em giữ lấy trong từng trang thơ, trong từng câu văn. Tôi chọn con đường tới anh em, đường tới bạn bè, chọn con đường với những thảm lá vàng rơi rơi trên phố Nguyễn Du. Để lại thương, để lại chờ lại đợi…

Mỗi ngày tôi ru một đứa trẻ. Những nụ cười thiên thần làm con tim tôi dịu lại tháng ngày.

Ngày xưa tôi đã…

Đã sống bằng con tim nhạy cảm đến khó có thể chấp nhận. Con tim ấy làm đau chính những mạch máu chứa đựng ấy. Ngày hôm nay, sau khi đã đi qua 1/3 cuộc đời. Dường như tôi đã thấm nhuần những dư vị của niềm vui hay nỗi buồn. Ngày con tim ốm, cái đầu sốt, da thịt thì lại lạnh. Tôi bỗng nhiên thấy mình tha thiết yêu đời yêu người như thể ngày mai thôi con tim này sẽ ngừng nhịp đập. Tôi tha thứ cho những bé dại. Tha thứ cho những yêu thương đã làm đau tôi ngày tháng hiện tại. Tha thứ cho những người đã từng ở bên tôi. Tha thứ cho những dỗi hờn trẻ con đầy ngô nghê của những đứa trẻ.

Vẫn còn cháy bỏng một khát khao hướng về Nam. Tôi muốn vào thăm ba, thăm bố, thăm anh, thăm chị, thăm em… những khát khao ấy vẫn cứ thường trực ngay cả khi con tim bị ốm. Những cơn sốt và ho cứ đẩy tôi lên cực đỉnh của nỗi buồn.

Khi người ta ra đi bao giờ cũng có một lý do để lại. Và tôi cũng thế. Lý do của tôi là nụ cười của người. Một nụ cười du miên hồn người. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Không hối tiếc bởi vì tôi đã dành cho cuộc đời một trái tim say.

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
Để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim !”

(Trịnh Công Sơn)


Góc Tâm Hồn Nhỏ - Ngày xưa khi còn bé
Tôi yêu quá cuộc đời
Tôi yêu thương loài người
Ngồi vẽ lấy tương lai

Ngày xưa khi còn bé
Giữa chói chang trưa hè
Dưới lũ mưa đông về
Lòng tôi xao xuyến quá

Ngày xưa khi còn bé
Tôi mơ có cuộc tình
Như mơ ước được gần
Với những nụ hồng

Nhưng hôm nay không còn trẻ nhỏ như xưa
Tôi thấy tôi là chiếc bóng phai mờ
Nhưng hôm nay không còn một hồn bao la
Tôi thấy tôi là chút vết mực nhoè

Ngày nay không còn bé
Tôi quên sống thật thà
Tôi đã không còn là
Là hạnh phúc ngu ngơ

Ngày nay sao buồn thế
Những sáng hay đêm về
Vẫn thấy rất ơ hờ
Bình yên như kiếp đá

Ngày nay thôi đành nhé
Tôi như đá nặng nề
Trong giây phút tình cờ
Rớt xuống mịt mù.

(Trịnh Công SƠn)

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013



Góc Tâm Hồn Nhỏ - Cứ mỗi độ xuân về là tôi lại có dịp trở về tuổi thơ của mình. Bắt đầu là một cuộc hành trình dài bằng xe máy hơn 200km, từ TP. Hồ Chí Minh đi xuyên qua những miền quê yên ả – thanh bình: Nhơn Trạch – Mỹ Xuân – Ngãi Giao – Hoà Bình – Xuyên Mộc – Bình Châu – Lagi – Tiến Thành và …miền tuổi thơ, cách TP. Phan Thiết 23km. Cái mùi quê, hương quê đượm nồng hai bên đường, tôi hít thật sâu, lòng tràn ngập sảng khoái.Tôi lại về Trạm xá, nơi tôi chào đời cách đây 32 năm. Đứng nhìn và mỉm cười. Một niềm vui khó tả. Rồi lại tiếp tục đi trên con đường mà ngày xưa mình đã từng chạy nhảy, bông đùa cùng với những trò chơi nghịch ngợm và đầy thú vị: đu xe bò, bắn bi, đi bắt dế, thả diều, trèo cây mít nhà ngoại, và nhất là những lần hái ổi trộm bị rượt chạy xịt khói, nhưng đầy khoái trá và thú vị… Tôi dừng lại bên đường, ghé vào một cây ổi, hái vài lá ổi, chà xát vào hai lòng bàn tay, rồi đưa lên mũi và… vùng trời tuổi thơ xuất hiện. Những trái ổi hái trộm ngày xưa đã hiện về, một cảm giác khoan khoái đến say lòng.
Có thể nói những ngày xuân là những ngày đẹp nhất trong năm của tôi vì đó là khoảng thời gian mà tôi có nhiều thời gian nhất để hoà mình với thiên nhiên, ngắm nhìn nắng chiều trải dài trên đồng ruộng với những chú trâu hiền lành, trên những dòng sông nhỏ, những vườn cau thanh thanh đậm chất Việt, rồi những dãy núi xa xa đầy quyến rũ. Nhất là hành trình leo núi Tà Cú, nằm võng đọc sách giữa rừng núi cùng với trời xanh mây trắng và tiếng chim hót, và chờ đợi nhìn hoàng hôn lặng sau dãy núi…
Tôi lại đợi chờ một mùa xuân nữa… ngũ lại một đêm nơi mình chào đời…
Cánh diều tuổi thơ
Diều tung tăng lộng gió
Ta tung tăng cõi lòng
Thấy gì qua cánh diều
Ta thấy được tuổi thơ
Ôi, tuổi thơ thật đẹp
Đẹp! Đẹp thật tinh khôi.
(Hoàng Nhơn)
(Cảm tác tại Củ Chi – 2004, về thăm một người bạn)

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Xin được mượn tiêu đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán để ngược dòng thời gian trên chuyến tàu về ký ức thăm lại tuổi thơ tôi. Một ký ức mà chắc không riêng gì tôi mà trong mỗi chúng ta đều tồn tại và ẩn hiện từng ngày. Những ký ức vụn vặt tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nó đã theo đuổi tôi suốt hơn 20 năm qua và giờ đây mỗi lần nhắc đến là trong tôi không khỏi bồi hồi xúc động hồi tưởng về nó, về những ngày ấu thơ trong tôi.


Bồi hồi xúc động trên chuyến tàu quay về quá khứ 20 năm trước hình ảnh lại hiện về trong tôi. Điều đầu tiên làm tôi nhớ đến chính là phiên chợ quê, mỗi buổi sáng có phiên chợ (chợ quê tôi họp vào ngày lẻ theo lịch âm) là anh em tôi lại ra đường đứng nhìn về xa xăm ngóng trông mẹ đi chợ về để lấy quà. Tôi còn nhớ rõ vì thói quen này mà tôi đã phải đi học chậm mất một năm: hồi đó tôi chưa đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng vì nhà lúc đó có 2 anh em, anh tôi hơn tôi 2 tuổi nên mẹ cho cả tôi đi học cùng anh. Ngày đầu đi học cùng anh cũng là ngày tôi khóc nhiều nhất. Hồi đó tôi mới 4 tuổi, ở quê tôi 5 tuổi mới cho đi mẫu giáo; hôm đầu đến trường ngược lại với bản tính lỳ lợm và gan dạ của ông anh thì tôi lại rất nhút nhát và đòi mẹ phải ở lại học cùng dù cho mẹ có dỗ dành đủ kiểu kết hợp với món đòn roi như thường lệ. Ngày đi học thứ hai cũng không hơn ngày đầu là mấy, tôi vẫn khóc tuy nhiên lần này được mẹ hứa là ở lại học rồi mẹ đi chợ mua bánh, hôm đó lại có phiên chợ. Thế là tôi ngoan ngoãn ở lại học cùng anh, nhưng cũng chẳng được lâu, vì trường học ở ngay cạnh đường cái nên giờ ra chơi lúc đang nô đùa cùng bạn bè thì bất chợt tôi nhìn thấy mẹ đi chợ về ngang qua. Tôi như con thiêu thân chạy theo sau xe đạp của mẹ chạy về dù cho ăn đủ đòn roi nhưng vẫn không chịu quay lại lớp. Vậy là kết thúc năm mẫu giáo bé, chỉ đi học được 2 hôm.
Lại một năm được ở nhà chơi không phải đi học nhưng rồi thời gian đó cũng trôi qua rất nhanh. Anh tôi lên mẫu giáo lớn còn mình tôi lại phải học lớp mẫu giáo bé, tuy vẫn còn khóc nhè không chịu đi học nhưng đều bị khuất phục bởi những trận đòn roi của mẹ tôi. Lúc tôi kết thúc lớp mẫu giáo bé cũng là thời điểm anh tôi lên lớp một. Ba mẹ tôi muốn hai anh em học cùng lớp cho vui và cũng dễ đưa đón nên đã cho tôi bỏ qua lớp mẫu giáo lớn và xin cho tôi lên thẳng lớp 1 cùng anh. Ngày đầu đi học mẹ tôi đưa 2 anh em đi khai giảng, những bỡ ngỡ buổi ban đầu đi học tiểu học quả thật khác xa so với học mẫu giáo. Mỗi bạn có một cặp sách, một bộ quần áo mới để đi học. Chỉ riêng hai anh em tôi, vì nhà nghèo nên ba mẹ tôi chỉ mua được có một bộ sách giáo khoa, một cái cặp cho 2 anh em học chung. Tôi cũng chẳng nhớ nổi là lý do vì sao, có thể vì không có cặp sách hoặc có thể vì đòi mẹ ở lại học cùng (ngựa quen đường cũ) mà tôi lại chỉ đi học được có 2 buổi. Sau đó lại được ở nhà chơi dài.
Ở nhà có một mình cũng chán, mỗi ngày tôi đều ra đầu ngõ đứng ngóng trông anh trai đi học về, phải nói là cảm giác chờ đợi thật là hạnh phúc.
Hồi đó nhà tôi rất nghèo, cơm ăn còn không đủ. Tôi vẫn còn nhớ mỗi bữa ăn đều có kèm theo củ chuối ghế cơm (cũng không có khoai hay dong) vì củ chuối sẵn trong vườn. Trước mỗi bữa cơm anh em tôi cùng bố ra vườn để đào củ chuối, cho vào nồi cơm và ghế. Tuy nghèo đói nhưng hầu như rất ít khi anh em tôi phải ăn củ chuối. Ba mẹ bao giờ cũng nhường cơm cho anh em tôi, và ăn phần củ chuối ghế. Nghĩ lại tôi lại càng thương yêu ba mẹ hơn. Có lẽ vì đã trải qua những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống như vậy nên giờ đây khi đã kiếm ra tiền những lúc đi ăn hay đi chơi tôi thường nghĩ về những khó khăn ngày xưa. Nhưng tôi lại luôn ước ao được trở về thời ấu thơ, cùng nô đùa cùng bọn trẻ con hàng xóm, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với gia đình đầm ấm, mỗi buổi tối lại được nghe ông nội kể chuyện ngày xưa, mỗi sáng mai lại được ra đường ngóng trông quà chợ, rồi buổi trưa trốn ngủ trưa đi câu tôm,…
Tôi luôn mong mình có một điều ước và tôi sẽ ước được trở về tuổi thơ, dù phải đánh đổi tất cả những gì quý giá nhất. Đối với tôi tuổi thơ quý giá hơn tất cả.
Ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ dữ dội. Nếu ai đọc được bài này hãy cùng chia sẻ tuổi thơ của mình để hồi tưởng lại một ký ức đẹp.
Góc Tâm Hồn Nhỏ - Ngày trở về lòng đong đầy kỷ niệm: như vẫn còn đâu đây tiếng thầy cô giảng bài, bao tiếng nói cười ngày nào sao tha thiết thế. Rưng rưng lòng quá khát thèm một thời áo trắng đầy mộng mơ. Có bao giờ lòng ta nguôi quên được những tháng ngày đến trường. Thương quá trường xưa! Cách đây hơn 30 năm, chúng tôi đã chia tay thầy cô, bạn hữu bao mến thương. Nhưng dù là lưu luyến, mến thương… bao nhiêu đi chăng nữa thì cuộc chia tay vẫn cứ phải diễn ra và bâng khuâng nhìn cánh phượng rơi. Chia tay cô giáo, xa nơi mái trường Bao năm đầy ắp tình thương Một thời để nhớ- mãi vương tơ lòng. Để rồi trong năm tháng cuộc đời chúng tôi luôn mang trong lòng hình ảnh mái trường xưa, tình cảm bạn bè, thầy cô. Quên sao được những đêm dài cô ngồi chấm bài, soát kỹ từng lỗi chính tả bài văn, mỗi khi em mặc áo lệch khuy, được cô chỉnh lại cho ngay ngắn, rồi cô hỏi: “Em ăn có được no không? Em mặc có ấm không?” Ôi! Những lúc như thế em cứ rơm rớm nước mắt mà không sao nói nổi với cô. Quên sao được bao đêm đông thầy ngồi cặm cụi để tìm ra phương pháp giải toán hay nhất? Quên sao được, mặc dù đêm tối mà thầy cô vẫn đội mưa to, gió rét buốt thấu xương để dạy “phụ đạo” cho chúng em? Rất nhiều đêm như thế, tất cả với tấm lòng vì học sinh thân yêu mà không hề đòi hỏi một chút thù lao nào mặc dù cuộc sống hàng ngày của thầy cô rất nghèo khổ. Bây giờ nhớ và nghĩ lại, lòng ta không khỏi thương quá lớp cũ, trường xưa… trong đó có các thầy cô đã ân cần dạy dỗ chúng ta biết cái lẽ làm người. Qua đó cũng đủ thấy lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm không gì sánh nổi của thầy cô đối với “sự nghiệp trồng người” lúc bấy giờ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, lớp học phải học vào ban đêm với ánh đèn dầu leo lét. Vì ban ngày phải tránh máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, còn học sinh thì đi bộ độ 4km mới tới được lớp học và cứ quần nâu, áo vá, chân đất đi học. Học sinh phải cơm nắm (trong có độn khoai lang) ăn với muối vừng để học ôn thi. Nếu học sinh nào trọ lại ở nhà dân gần trường thì được giúp đỡ tận tình mà không phải trả tiền nhà như bây giờ. Nhưng có một điều dù trong hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu chúng tôi vẫn luôn nhắc nhủ nhau luôn luôn nghiêm túc học tập tốt để khỏi phụ công của thầy cô và bố mẹ, gia đình. Thương lắm mái trường xưa… Ở đó, chúng em không những được thầy cô dạy cho cái chữ, mà còn được thầy cô dạy cho cái nghĩa ở đời. Thầy cô thường khuyên chúng em: “Đừng thấy bạn đen đủi, xấu xí mà chê bai, đừng thấy ai lam lũ, rách rưới mà cười khinh, cái gốc của con người ta là cái tâm và tình yêu thương con người”. Vâng! Dù hơn 30 năm hay lâu hơn nữa, tóc trò nay đã vương nhiều sợi bạc, còn thầy cô thì đã già, mà tình thầy cô vẫn sưởi ấm trên mọi nẻo đường đời của học sinh. Hành trang chúng em luôn mang đi kể từ khi tạm xa mái trường là bài toán, lời thơ, câu văn và những lời giảng ngọt ngào của thầy cô, luôn có sức lay động soi rọi trong tâm hồn chúng em. Và chúng em vẫn hằng tin yêu thầy cô và vẫn mong thầy cô chỉ bảo để chúng em tiến xa hơn nữa. Đúng là “Cha mẹ khai sinh, thầy cô khai tâm…”, “Con người ta sinh ra không có cái tâm khác nào một thế giới hoang dã” và “Quyền lực, danh vọng, tiền tài chưa bao giờ thuộc về người thầy. Không ai tạc ghi tên thầy bằng đá kim cương nhưng mọi người có học đều mang theo suốt đời hình ảnh của thầy giáo”. Thương lắm trường xưa! Hôm nay ngày trở lại! Mà lòng ta sao cứ nao nao- thầy cô bạn bè giờ ở nơi nao? Mong sao cùng về đây, được dang rộng vòng tay để ôm lấy cây phượng già mà biết bao năm phượng vẫn nở hoa cho lòng… chờ đợi ta về… Thương lắm trường xưa! Ai còn bần hàn, vất vả cấy lúa, trồng khoai nơi thôn dã; ai đã thành đạt, giàu sang nơi đô hội thì xin hãy về đây… hòa đồng trong tình xứ sở, quê hương, mái trường, thầy cô, bạn bè với tấm lòng tri âm về trường xưa yêu dấu. Thương quá trường xưa! Từ nơi này, chúng ta đã tự tin, tự hào về mái trường, thầy cô, để khi trở về lòng vẫn vẹn nguyên và suốt đời mang bao hoài niệm về mái trường xưa nơi đã chắp cánh ta bay tới bến bờ xa của ước mơ.



TRẦN ĐỨC ĐỦ (Bắc Giang)
Góc Tâm Hồn Nhỏ - Đâu đó những tiếng ve kêu râm ran, những chiếc lá bàng rơi khe khẽ, đâu đó những cánh hoa phượng vĩ được xếp vào những trang giấy trắng của những cô bạn nữ sinh như báo hiệu một mùa hè nữa lại đến, một mùa hè cuối cấp, một mùa hè với biết bao kỉ niệm thân thương của ngày xa trường…

Nhìn những tà áo dài thướt tha trong gió của những cô bạn nữ sinh, nhìn những nét mặt chia tay bịn rịn của những cậu bạn học trò tôi lại nhớ về những ký ức ngày xưa, những tháng năm cắp sách đến trường với biết bao ước mơ, hoài bão.


Hồi ấy, còn là một cậu học sinh hồn nhiên mới lớn hay bướng bỉnh mà cũng lắm trẻ con, cũng có lúc ngoan hiền vì sợ thầy la mắng. Ôi ! Cái thời ” mộng mơ ” ấy đâu còn nữa, cứ mỗi lần nghĩ lại tôi lại thấy nhớ lắm những kỉ niệm một thời mà không bao giờ tôi quên được.

Nhớ lắm từng hàng ghế đá quen thuộc nơi tôi thường ngồi ôn bài và cũng hàng ghế đá ấy tôi nhớ về những buổi chuyện trò, tâm sự với những đứa bạn cùng nhau. Nhớ lắm những kỉ niệm buồn vui, những lúc sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua trong học tập và nhớ lắm những tình yêu ” chớm nở “, những rung động đầu đời của tuổi mộng mơ, tình yêu thời ” cắp sách “.

Càng nghĩ lại sao càng thấy thân thương quá đỗi… Những trang nhật ký ngày nào đang cầm trên tay như muốn đưa tôi về ngày xưa ấy, sống lại cùng những năm tháng hồn nhiên, ngây thơ với biết bao ước mơ cháy bỏng và một lí tưởng sống không ngừng. Và chính những người thầy, người cô, những con người luôn tận tuỵ suốt những năm tháng ấy đã dìu dắt tôi đến bến bờ tri thức, để bây giờ mỗi khi nhớ lại là biết bao cung bậc, những cảm xúc khó tả biết chừng nào…

Năm tháng ấy như gắn liền với tôi biết bao nhiêu kỷ niệm về thầy cô, về bạn bè, về những bài học, những hành trang bước vào đời của những con người ” lái đò ” truyền đạt, tận tuỵ suốt đêm thâu soạn giáo án chỉ với một tấm lòng thương ” trò “, mong ” trò ” có một tương lai phía trước.

- Thầy cô ơi ! Thương lắm thầy cô àh, dù mai này trên đường đời có khó khăn, có chông gai thử thách con cũng sẽ vượt qua, bởi lẽ chỉ có thế mới đáp lại những gì mà thầy cô đã truyền đạt kiến thức làm hành trang để con bước vào đời…Xin dành tình cảm tốt đẹp nhất, những lời tri ân nồng thắm nhất dành tặng đến những người thầy, người cô đã cùng con đi qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời…

Và bạn ơi, tôi biết mỗi chúng ta ai cũng đã từng có một thời học sinh hồn nhiên nhiều kỷ niệm như thế…Đôi lúc khi tấp nập bồn bề với cuộc sống, đôi lúc khi đi qua ta lại lãng quên những năm tháng ” mộng mơ “, những ngày xưa chất chứa biết bao hoài bão riêng mình …Vậy thì bạn nhé ! Hãy nhớ về ngày xưa ấy, sống lại những năm tháng ” học trò ” ấy để thấy đâu đó những kỷ niệm thân thương trường lớp, những đứa bạn đáng yêu, tinh nghịch ngày nào và những con người ” gõ đầu trẻ ” mến yêu !

[ Mùa hè ấy...Tôi không sao quên được...Một thời cuối cấp khó quên...! ]

ßi ~!• Đôi Khi Hay Ảo Tưởng!@
 

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013


Góc Tâm Hồn Nhỏ - Một đứa trẻ đang chơi cạnh một cái bình quý.
Nó thò tay vào bình và không thể rút ra được.
Bố nó đến giúp, nhưng vô ích.

Họ đã nghĩ đến việc phải đập cái bình đi.

Ông bố nói, “Con trai, hãy cố nốt lần này. Thả lỏng và duỗi thẳng các ngón tay như bố đây này, rồi rút tay ra.”

Trước sự ngạc nhiên của bố, thằng bé kêu lên, “Không được bố ơi. Con không thể làm như thế được, nếu thế con sẽ làm rơi đồng xu của con mất.”

Có thể bạn sẽ cười, nhưng, hàng nghìn người trong chúng ta cũng giống cậu bé đó, cứ cố nắm giữ thứ gì đó vô nghĩa dù phải hi sinh những điều quý giá, thậm chí cả sự tự do! Vì thế, “hãy buông nó ra”, tôi thực lòng khuyên bạn điều đó.

P/s:Nhiều người trong chúng ta có khi tốn cả cuộc đời để loay hoay trong những cái không quan trọng để rồi bỏ qua những điều thực sự quan trọng. Không nói về những chuyện to tát trong cuộc đời mà ngay cả trong việc giải quyết một công việc cũng vậy.

Biết từ bỏ, biết hy sinh những điều không cần thiết, không quan trọng để tập trung thời gian và công sức vào những điều cần thiết, những điều quan trọng là một trong những bí quyết để thành công.
Góc Tâm Hồn Nhỏ - Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ.

Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh cũng gom được những mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.

Hy Vọng
Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Ðiều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc lại thế này lại xảy đến với tôi hở trời”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Thật dễ dàng chán nản và thất vọng khi sự đời xảy đến ngoài ý muốn. Nhưng cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, cách đón nhận của bạn, sẽ quyết định mức độ trầm trọng của sự việc, quyết định quan điểm và sự hạnh phúc của bạn. Một trong những bí mật vĩ đại của cuộc đời đó chính là hãy tìm thấy một “ánh sáng hy vọng” trong đám khói đen của sự rủi ro.