Làm thế nào để hạn chế điểm yếu trong tính cách của người ôn hòa như: nhu nhược, dung túng cho người khác ép bức mình và thiếu tinh thần chủ động tích cực…, có thể khiến bạn mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống?
Cần chú trọng rèn luyện các kỹ năng sống như: Cách tư duy, tính sáng tạo, kỹ năng suy luận, và nhất là cách đưa ra quyết định... để có thể thích ứng được với sự thay đổi chóng mặt của xã hội ngày nay.
Là người ôn hòa, có lẽ bạn không có những điểm mạnh về khả năng và sức ảnh hưởng như những người khác, nhưng bạn rất dễ hòa hợp với mọi người và không thường gây ra phiền phức. - Niềm vui, hạnh phúc của bạn là do ít tính toán, tranh giành mà ra. Tuy nhiên, để là người ôn hòa giành chiến thắng, chúng ta không chỉ tích cực đẩy lùi tinh thần tiêu cực do người khác gây ra mà còn có thể đem tinh thần tiêu cực của bản thân chuyển hóa thành năng lượng tích cực và nuôi dưỡng trạng thái tích cực quan trọng.
Muốn vậy, trước tiên bạn nên nhớ rằng, không nên để người khác điều khiển tinh thần của bạn. Dù muốn ôn hòa giải quyết sự việc, biết chú ý lắng nghe, nắm bắt tình tiết, nhưng phải chính thức nêu giá trị quan và ý kiến quan điểm của mình. Nếu không chủ động, không biết từ chối khi cần có thể sẽ mang lại nhiều phiền phức cho bản thân và người khác.
Như khi bạn bè đưa vào tình huống khó xử, khi bạn bè dùng áp lực ép làm một việc mà mình không muốn, bạn hãy từ chối thẳng thắn. Biết cách nói “không” với người khác một cách chân thành đồng thời có thể đề xuất một ý tưởng khác hay hơn nhưng lành mạnh hơn. Nếu theo cảm tính, chín bỏ làm mười, ngại ngần không dám nói thẳng với nhau… dẫn đến những hậu quả không tốt trong công việc và các mối quan hệ.
Hoặc vì muốn mối quan hệ diễn ra theo hướng tốt đẹp và tìm mọi cách làm hài lòng người khác cũng như sợ mâu thuẫn sẽ làm người khác không vui, nên sự ôn hòa, khoan dung của bạn trở thành nỗi ám ảnh khi dung túng cho người khác ép bức mình. Vì thế, để họ không tiếp tục làm tổn thương bạn, bạn có thể nên hẹn người làm bạn tổn thương nói rõ bản thân mình bị tổn thương như thế nào, và làm sáng tỏ nguyên nhân để sớm kết thúc cục diện không tốt này. Đồng thời để có thể tránh phát sinh những tình huống tương tự về sau. Ngược lại, nếu bạn “ôn hòa”, không biểu hiện cho người khác thấy họ đã có hành vi, lời nói gây tổn thương cho bạn, nghĩa là bạn đã giải thoát trách nhiệm cho họ và hơn nữa, họ sẽ có thể tiếp tục lập lại sai lầm đó với bạn.
Và cũng vì cho rằng, nếu bày tỏ ý kiến rõ ràng thì sợ bị người khác phê bình rồi mất hòa khí, do đó bạn chọn giải pháp an toàn một cách tiêu cực là… không nêu ý kiến gì cả (có khi còn đồng tình với cả 2 phe!) Chính vì bị động như thế, nên vấn đề vẫn luôn tồn tại, không bao giờ được giải quyết. Bạn phải học được rằng, ôn hòa nhưng không nên quá để ý đến phản ứng của người khác, phải dũng cảm bày tỏ lập trường và nguyên tắc của mình. Bởi, trên thế giới này, hoàn toàn không có việc gì làm cho tất cả mọi người đều hài lòng cả!
Tóm lại, ôn hòa một cách vừa phải để bản thân mình thoải mái và vui vẻ sẽ tốt hơn và hạnh phúc hơn là cả đời làm hài lòng người khác. Tìm lại ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc sống cho mình là điều quan trọng nhất. Chỉ khi bạn tự tuyên bố với mình rằng, “Tôi chuẩn bị sống như chính mình, bằng con người thật của mình” thì bạn mới từ giã quá khứ, chào đón cái mới. Để thay đổi, để là người ôn hòa giành chiến thắng, điều quan trọng là bạn có dũng khí và nguyện vọng đó hay không mà thôi…
Chúc bạn thành công
Bích Trâm tổng hợp (Hieuhoc.com)