Góc Tâm Hồn Nhỏ - Khuya, lúc tôi gần tới chỗ đứng trên dốc nhìn về chung cư có ô cửa nhà T. trắng xanh, Ninh phóng sượt qua, phanh gấp, nhìn vào mắt tôi: "Cậu hãy lập tức nói với cô gái kia những gì cậu nghĩ, hoặc đừng dính líu vào vụ này nữa...".
***
Ngớt mưa, âm vang các cơn sấm vọng về từ biển rơi rớt một đỗi nữa rồi mới bặt. Gió mang mùi cà phê thổi men nhiều ô cửa, như thể cả thế giới không ngủ, ngồi bên bàn với cốc cà phê cô độc. Cửa hàng đóng cửa gần 11 giờ khuya. Đó là lúc dễ chịu nhất trong ngày.
Cô bạn Ninh cùng hội cùng thuyền ngáp to, nói rằng cô có thể ngả lưng và đánh giấc dài bất tận. Thực tế cô là người duy nhất tôi biết sợ hãi giấc ngủ, e tiêu tốn thời gian. Nhà tôi không xa cửa hàng. Chiều, từ phòng thiết kế về, tôi ghé nhà một thoáng rồi đi bộ ra hiệu, không quên mang theo cái bình nhỏ đựng cà phê.
Tôi cùng cô bạn thời đại học chung tiền mở cửa hàng bán những món đồ lưu niệm cho dân Tây du lịch. Công việc làm thêm bình thản, không đòi hỏi gì khác ngoài những buổi tối ngồi yên giữa vài mét vuông đầy chật kệ hàng, vẽ, chờ vài người khách ghé vào và nhai mấy câu tiếng Anh thuộc lòng nói về vẻ đẹp gốm sứ hay sự độc đáo của các bức vẽ bằng tay...
Cô bạn tôi đôi lúc giải khuây với việc đếm lại tiền, giấy chuyển khoản có nguồn gốc từ mọi ngóc ngách thế giới. Tôi uống cà phê. Cà phê không làm người ta thông minh nhưng nó đổ đầy cảm giác vừa lòng với chính mình. Thỉnh thoảng nhìn tôi một cách thờ ơ, Ninh nhắc: "Cậu uống nhiều vô cớ!". Các cô gái đọc sách hay đưa nhận xét bí hiểm. Tôi thích uống, vậy thôi.
Đoạn đường từ cửa hiệu về nhà phải lên đoạn dốc nhỏ. Tôi thở đầy phổi mùi thơm tươi mát của đêm, những cơn gió dính muối biển và bất chợt, tôi tới ngồi xệp trên cột điện gãy đỉnh dốc, nhìn về phía chung cư xa. Căn buồng T. ở tầng hai dễ nhận thấy, Một cánh cửa sổ luôn hé, con cá nylon treo dưới hàng hiên như vĩnh viễn bơi trong ánh đèn trắng.
Ngày nào tôi cũng gặp cô. Công ty T. làm việc và phòng thiết kế chỗ tôi chung tòa cao ốc. Chúng tôi cùng đi thang máy, quen nhau lần mất điện bị giam trong cái thùng sắt tối tăm. T. là một cô gái giản dị, mớ tóc thẳng, đôi mắt yên tĩnh và hơi thở nhẹ.
Tôi chẳng biết nói gì cả nên hỏi cô có thích xem phim Hàn Quốc không. Cô nói mới đi làm chưa mua ti-vi. "Còn bóng rổ?" - Tôi hỏi tiếp, các nhân vật trên phim hay chơi môn này. T. bật cười: "Tồi lắm!". "Thế sách thì sao?" - Khi hỏi điều ấy, tôi nhớ Ninh, cô bạn đọc quá nhiều và sống hơi khác thường. Cô gái xa lạ quay nhìn tôi: "Anh đang xem quyển gì?" Sự bối rối xâm chiếm vài giây trước khi tôi nhớ một tên sách Ninh để trên quầy hàng.
Cô gái mỉm cười trong bóng mờ, nhắc tới Kenzaburo Oe, Phan Triều Hải, Kazan... những kẻ hoàn toàn xa cách với cuộc sống tôi. "Anh thích ai trong số họ không?" - Tiếng nói T. dịu dàng, thân thiện. "Chẳng ai cả!" - Tôi đáp, với một chút tổn thương. "Cũng không đến nỗi nào..." – T. nói đơn giản. Bất giác cả hai cùng cười to, nhẹ nhõm.
Khi ấy thì thang máy mở được cửa. Tia nhìn người bảo trì thang đặt lên chúng tôi ngờ vực tò mò. Tôi đọc và nhớ bảng tên cô gái. Bóng rổ, sách, cà phê, phim Hàn Quốc... những thứ tôi thích hay không thích. Thế nhưng chúng đâu quan trọng nữa khi một người đàn ông tìm thấy cô gái mà anh ta biết hình ảnh cô sẽ xâm chiếm anh, ngày mỗi ngày chất đầy lên, như những món đồ lạ lùng trong ngăn kéo...
Tôi ngồi trên trụ điện gãy thêm một chốc. Ô đen trắng tầng hai bất động. Có lẽ T. đang theo đuổi câu chuyện trên những trang sách. Một cái bóng lướt qua khung cửa. Rất nhanh. Tôi tự nhủ cô gái sắp ngủ rồi. Xách cái bình thủy trống rỗng, tôi nhổm dậy, rảo bước về nhà. Vài mẩu lá rơi xuống vỉa hè như những mảnh giấy cũ.
Ninh là cô gái bất thường - trên kia tôi hơi đả động điều này. Đang làm họa sĩ ở một xưởng phim, cô ta nghỉ ngang. Thời gian đó thi thoảng cô nhắn máy tôi ghé nhà, ngôi nhà lớn có vườn bao quanh mà thời sinh viên, tôi không thể hoặc không muốn bén mảng. Nhưng về sau chi tiết ấy chẳng còn ý nghĩa. Cô ta cần một ai để nói chuyện. Tôi là thằng bạn duy nhất cô chọn. Và tôi tới.
Ninh đã ở lì trong cái chòi gỗ sau vườn hơn một tuần, như con gấu thờ ơ buồn bã. Tôi leo lên căn phòng nhỏ bằng gỗ trước là nơi vẽ của Ninh. Mùi giấy báo, mùi sơn khô, mùi dầu hỏa nồng nặc xông thẳng ra như bầy ong vàng hung. Cô bạn tôi ngồi im trên cái bục mẫu, nhìn đám lá qua lỗ thủng trên trần. Mọi thứ hệt một cảnh phim khiến tôi chán ốm.
Ninh lầu bầu cho biết cô ta không bao giờ tới xưởng phim nữa. Tôi chẳng hỏi lý do. Lý do của các cô gái độc lập thường chính xác nhưng khó hiểu. Dù không đau răng, Ninh dùng cháo, uống hàng bình nước trà, rồi lại nằm im suy nghĩ về đủ thứ vớ vẩn - tuổi trẻ, thời gian, tình yêu, và cả sự sinh nở. Tôi gợi chuyện chán rồi cũng lặng thinh theo.
Đến tối Ninh muốn tới quán gần trường đại học. Quán mở mấy bài cũ của Bee Gees. Tôi lầm bầm hát theo. Những ngày đó (một tuần? Có thể nhiều hơn) Ninh ở trong tầm nhìn và sự quan tâm của tôi. Vài tối muộn tôi ngủ lại xưởng vẽ gỗ cũ. Tôi nghe tiếng cô ta trở mình như con cá trong chậu nước. Nhưng tất cả chỉ dừng ở đấy.
Khi tôi đi làm thiết kế hơn một năm và Ninh ra khỏi trạng thái suy sụp, chúng tôi vét tiền mở cửa hàng gốm. Một cô gái trẻ, nói tiếng Anh và Đức lưu loát, am hiểu tranh sơn dầu và kỹ thuật men - những chi tiết này thu hút khách tới đông cửa hàng. Chúng tôi kiếm nhiều tiền. Thi thoảng tôi đoán Ninh sắp bỏ đi. Nhưng cô ta vui tươi.
Khi tôi thổ lộ về cô gái tình cờ thang máy cao ốc, người cùng hội cùng thuyền phá lên cười, nhướn mày: - Như thế có liên quan tới tình yêu không? - Đi thang máy và mất ngủ ư? - Tôi lúng túng. Ninh không trả lời, lật báo xem những món gốm cổ mới vớt lên từ đáy biển.
Khuya, lúc tôi gần tới chỗ đứng trên dốc nhìn về chung cư có ô cửa nhà T. trắng xanh, Ninh phóng sượt qua, phanh gấp, nhìn vào mắt tôi: "Cậu hãy lập tức nói với cô gái kia những gì cậu nghĩ, hoặc đừng dính líu vào vụ này nữa...". Tôi sợ gì chứ? Không biết! Chỉ rõ ràng tôi không can đảm như người chạy xe rất nhanh xuyên qua bóng tối.
Ninh làm những điều mình nghĩ: Bỏ đi khỏi xưởng phim, nhúng tay vào mối vất vả chạy hàng, vẽ gốm, giao dịch... Tức là rời bỏ trạng thái yên ổn để đối diện sự huyên náo và nguy cơ thất bại rình rập. Nhưng cô ta đâu có chìm xuồng. Có lẽ tôi cũng nên làm điều gì, thay vì đứng yên và nhìn về ô cửa mỗi khuya.
Tòa chung cư nhìn gần lớn hơn tôi nghĩ. Những bức tường liên miên thấm ướt bắt đầu lên rêu ở mấy vết nứt, một con chó chạy rong ngửi những bông hoa dại đọng nước mưa.
Tôi hỏi đường lên tầng hai. Người đàn bà giữ xe chung cư có đôi mắt kỳ dị khiến cảm giác nhẹ nhõm tươi tắn mà Ninh truyền cho tôi phai nhạt chút ít. Tôi nhìn lại bó cúc đất xanh lam ban nãy mua, hít một hơi dài. Dãy hành lang đọng nước. Tôi gõ nhẹ cánh cửa người ta chỉ dẫn, bỗng dưng muốn bỏ đi. Tuy nhiên cửa đã mở.
Gương mặt T. đã ở đấy như hàng trăm, không, hàng ngàn lần tôi thấy trong tưởng tượng. Cô ngạc nhiên tột độ, rồi cười dịu dàng: "Vào đi!". Bên trong căn phòng nhỏ của T., mọi thứ toát lên vẻ âm thầm hơi bất an của những món đồ không ở đúng vị trí của nó.
Tôi liếc nhìn quyển sách trên bàn, đó là tựa sách mà tôi có nhắc tới lần đầu gặp T. để khỏa lấp sự bối rối. Cô gái mang ra cà phê trong cái tách nâu, bảo: "Buổi chiều uống cà phê thì ngày như dài hơn...". Tôi gật đầu: "Ừ, nghĩa là mình cũng làm thêm được nhiều việc.Tối nào tôi cũng uống nó, nhưng chẳng ngon thế này". Nụ cười tỏa trên mặt T. như sóng thấm lên bờ cát.
Tôi nhấp một ngụm đen sánh, tự hỏi vì sao quá lâu tôi trì hoãn tới tìm T.. Bó cúc toả mùi hăng hắc nằm dưới gầm bàn. Ngoài cửa sổ, chiều chất đầy mây sẫm. Những con bồ câu xám tro rời bầu trời xám tro trở về tổ trên sân thượng.
Cô gái đối diện cũng vừa đi làm về, quầng mắt thoáng mỏi mệt như hai mặt hồ sâu thẳm...Một khung cảnh bình thản để người ta nói thật nhưng suy nghĩ của mình. Tôi nói nhanh: "T. này, tối nay tôi không ra cửa hàng. Hình như tôi muốn được đưa T. đi loanh quanh chơi". Cô ngẩng lên, tia nhìn tối sẫm: "Anh nghĩ như vậy sẽ dễ chịu ư?".
Cảm giác choáng váng giống như thể trồng cây chuối quá lâu rồi biết mình không thể đứng lên được nữa. Tôi nghĩ cô từ chối, đơn giản là T. không nghĩ tới tôi như tôi nghĩ tới cô, hoặc tệ hơn, tất cả những gì thuộc về tôi khiến cô xa lạ. Cô gái vào bếp mang ra vài quả trứng luộc. Chúng tôi ăn trứng chấm muối, uống cà phê, kiềm chế tâm trạng của mình khỏi sự xao động thất vọng.
Tôi chộp vài mẩu chuyện bay vụt qua đầu, nói huyên thuyên. T. nghe nhưng nhìn đâu đâu, tháo giấy báo bọc bó hoa cúc, cảm ơn tôi đã nhắc cô bây giờ sang Đông, cũng có nghĩa là cô ra trường đi làm gần một năm rồi... Những căn hộ chung quanh bắt đầu cuộc sống buổi tối. Trẻ con la hét. Tiếng bếp núc. Âm thanh của những tập phim Hàn Quốc.
Chúng tôi đứng nán bên cửa sổ nhìn qua ti-vi màn hình lớn nhà bên cạnh. Phải chăng ti-vi đã dựng nên trong tôi ao ước vô hình về tình yêu, về cuộc sống tươi màu và hạnh phúc như thế... Nhưng sao khi tôi đem nó ra thử nghiệm, T. đã thoái thác? Tôi chỉ cho T. một nhân vật nữ làm việc cật lực, cáu bẳn, bảo giống Ninh, người cùng hội cùng thuyền của tôi nhiều năm qua.
Thình lình T. ngoảnh sát mặt tôi, giọng như hơi thở nhẹ: "Cô Ninh ấy hay lắm. Còn tôi, chỉ là thứ xúc cảm thoáng qua thôi. Như một bộ phim, người ta có thể cười to hay khóc to vì nó, nhưng rồi phim hết người ta ra khỏi rạp và chẳng có gì quan trọng nữa...".
Tôi lục điếu thuốc nhàu trong túi. Thế đấy, tôi đã nghĩ mình sẽ không đụng vào thuốc vì T. làm văn phòng, cô không chịu nổi nó. Tuy nhiên, mọi việc đã khác. Tôi nhìn điếu thuốc như quan sát một vật lạ, rồi thả nó rơi xuống sân cỏ. ... Phải khá lâu sau buổi chiều kỳ quặc trên, tôi mới thu xếp ổn thoả với cảm giác trống rỗng và sự cô độc không rõ tên.
Ninh là người bạn khôn ngoan. Cô ta không tò mò, không bày tỏ cảm thông vì ở một lẽ nào đấy, chúng tôi thân nhau tới mức không thể mở lời an ủi nhau được. Tôi thôi uống cà phê bởi chẳng cần nó, cũng đủ thấy một ngày dài. Ninh lấy cái bình thủy về nhà, đổ đầy cà phê nhưng pha thêm sữa và cả hai cùng uống khi tối muộn.
Tôi ghét sữa. Cô ta ghét thứ nước đen kịt. Một sự trung hòa cũng được. Mưa nhiều, nhất là các buổi chiều. Khách tới cửa hàng ít. Hai đứa chung tiền mua một cái ti-vi nhỏ và ngồi trong góc hiệu xem tất cả các game show, nghe các chương trình ca nhạc, cười vui vẻ.
Phim Hàn Quốc cũng hấp dẫn. Ninh theo dõi chúng với vẻ ngờ vực. Tôi hơi xấu hổ nhớ lại đã có lúc hình dung tình yêu sẽ mọc lên trong cảnh lãng mạn như vậy. Tình yêu, suy cho cùng, cũng chỉ là một mẩu ghép nhỏ trong cuộc sống. Và người ta không thể rập vài khuôn mẫu, dù hoàn hảo và lãng mạn...
Mọi việc lại chảy đi với nhịp độ bình thường. Thỉnh thoảng tôi giáp mặt T. trong toà cao ốc. Cô bước vào thang máy, bấm nút chờ, không nói gì. Người trông xe chung cư cái chiều hôm đó cho biết T. là tình nhân ông chủ cô làm thư ký, cô sống trong căn hộ ông ta thuê gần một năm nay. Mách bảo ấy từng khiến tôi cay đắng biết bao.
Tôi nghĩ giá mà cô chọn cách sống khác. Mối tình công sở giống như ngọn núi lửa tàn lụi và sự quyến rũ đi cùng nó cũng tắt theo, chỉ còn chút thông cảm dịu dàng như vệt tro nhẹ... Ninh tắt ti-vi, bắt đầu ôn ngoại ngữ. Cô ta lúc nào cũng bận rộn và tỏ ra bực bội khi tôi nhàn tản.
Thêm một người khách Tây hỏi mua mấy cái cốc Phù Lãng. Tôi gói hàng, bấm thẻ tín dụng, nhẩm tính số tiền thu được trong ngày. Bỗng Ninh gấp sách, nói to: "Hôm nay kiếm được thế là đủ. Chúng ta đi đâu thôi. Không nên ở trong nhà quá nhiều, nhất là tối không mưa".
Tôi ngạc nhiên, hơi buồn cười. Chúng tôi chạy chung cái xe cũ của Ninh. Mới hơn 9 giờ, đường phố không quá ồn ào. Tôi cho xe đi mãi, hít đầy phổi hơi muối bám trên những ngọn gió từ biển lùa về. Cảm giác ra khơi như một cánh buồm đột nhiên trỗi dậy, không lầm lẫn. Tôi nói: "Ninh này, tụi mình cần làm cái gì tử tế, trước khi thời gian trẻ qua mất...".
Cô ta không trả lời, chỉ đặt nhẹ đầu trên vai tôi. Một hơi ấm tưởng như bỏ quên. Một hương vị cà phê gần gũi. Luôn là vậy, hạnh phúc, cảm giác bắt đầu từ những thứ bình thường không ngờ.
***
Ngớt mưa, âm vang các cơn sấm vọng về từ biển rơi rớt một đỗi nữa rồi mới bặt. Gió mang mùi cà phê thổi men nhiều ô cửa, như thể cả thế giới không ngủ, ngồi bên bàn với cốc cà phê cô độc. Cửa hàng đóng cửa gần 11 giờ khuya. Đó là lúc dễ chịu nhất trong ngày.
Cô bạn Ninh cùng hội cùng thuyền ngáp to, nói rằng cô có thể ngả lưng và đánh giấc dài bất tận. Thực tế cô là người duy nhất tôi biết sợ hãi giấc ngủ, e tiêu tốn thời gian. Nhà tôi không xa cửa hàng. Chiều, từ phòng thiết kế về, tôi ghé nhà một thoáng rồi đi bộ ra hiệu, không quên mang theo cái bình nhỏ đựng cà phê.
Tôi cùng cô bạn thời đại học chung tiền mở cửa hàng bán những món đồ lưu niệm cho dân Tây du lịch. Công việc làm thêm bình thản, không đòi hỏi gì khác ngoài những buổi tối ngồi yên giữa vài mét vuông đầy chật kệ hàng, vẽ, chờ vài người khách ghé vào và nhai mấy câu tiếng Anh thuộc lòng nói về vẻ đẹp gốm sứ hay sự độc đáo của các bức vẽ bằng tay...
Cô bạn tôi đôi lúc giải khuây với việc đếm lại tiền, giấy chuyển khoản có nguồn gốc từ mọi ngóc ngách thế giới. Tôi uống cà phê. Cà phê không làm người ta thông minh nhưng nó đổ đầy cảm giác vừa lòng với chính mình. Thỉnh thoảng nhìn tôi một cách thờ ơ, Ninh nhắc: "Cậu uống nhiều vô cớ!". Các cô gái đọc sách hay đưa nhận xét bí hiểm. Tôi thích uống, vậy thôi.
Đoạn đường từ cửa hiệu về nhà phải lên đoạn dốc nhỏ. Tôi thở đầy phổi mùi thơm tươi mát của đêm, những cơn gió dính muối biển và bất chợt, tôi tới ngồi xệp trên cột điện gãy đỉnh dốc, nhìn về phía chung cư xa. Căn buồng T. ở tầng hai dễ nhận thấy, Một cánh cửa sổ luôn hé, con cá nylon treo dưới hàng hiên như vĩnh viễn bơi trong ánh đèn trắng.
Ngày nào tôi cũng gặp cô. Công ty T. làm việc và phòng thiết kế chỗ tôi chung tòa cao ốc. Chúng tôi cùng đi thang máy, quen nhau lần mất điện bị giam trong cái thùng sắt tối tăm. T. là một cô gái giản dị, mớ tóc thẳng, đôi mắt yên tĩnh và hơi thở nhẹ.
Tôi chẳng biết nói gì cả nên hỏi cô có thích xem phim Hàn Quốc không. Cô nói mới đi làm chưa mua ti-vi. "Còn bóng rổ?" - Tôi hỏi tiếp, các nhân vật trên phim hay chơi môn này. T. bật cười: "Tồi lắm!". "Thế sách thì sao?" - Khi hỏi điều ấy, tôi nhớ Ninh, cô bạn đọc quá nhiều và sống hơi khác thường. Cô gái xa lạ quay nhìn tôi: "Anh đang xem quyển gì?" Sự bối rối xâm chiếm vài giây trước khi tôi nhớ một tên sách Ninh để trên quầy hàng.
Cô gái mỉm cười trong bóng mờ, nhắc tới Kenzaburo Oe, Phan Triều Hải, Kazan... những kẻ hoàn toàn xa cách với cuộc sống tôi. "Anh thích ai trong số họ không?" - Tiếng nói T. dịu dàng, thân thiện. "Chẳng ai cả!" - Tôi đáp, với một chút tổn thương. "Cũng không đến nỗi nào..." – T. nói đơn giản. Bất giác cả hai cùng cười to, nhẹ nhõm.
Khi ấy thì thang máy mở được cửa. Tia nhìn người bảo trì thang đặt lên chúng tôi ngờ vực tò mò. Tôi đọc và nhớ bảng tên cô gái. Bóng rổ, sách, cà phê, phim Hàn Quốc... những thứ tôi thích hay không thích. Thế nhưng chúng đâu quan trọng nữa khi một người đàn ông tìm thấy cô gái mà anh ta biết hình ảnh cô sẽ xâm chiếm anh, ngày mỗi ngày chất đầy lên, như những món đồ lạ lùng trong ngăn kéo...
Tôi ngồi trên trụ điện gãy thêm một chốc. Ô đen trắng tầng hai bất động. Có lẽ T. đang theo đuổi câu chuyện trên những trang sách. Một cái bóng lướt qua khung cửa. Rất nhanh. Tôi tự nhủ cô gái sắp ngủ rồi. Xách cái bình thủy trống rỗng, tôi nhổm dậy, rảo bước về nhà. Vài mẩu lá rơi xuống vỉa hè như những mảnh giấy cũ.
Ninh là cô gái bất thường - trên kia tôi hơi đả động điều này. Đang làm họa sĩ ở một xưởng phim, cô ta nghỉ ngang. Thời gian đó thi thoảng cô nhắn máy tôi ghé nhà, ngôi nhà lớn có vườn bao quanh mà thời sinh viên, tôi không thể hoặc không muốn bén mảng. Nhưng về sau chi tiết ấy chẳng còn ý nghĩa. Cô ta cần một ai để nói chuyện. Tôi là thằng bạn duy nhất cô chọn. Và tôi tới.
Ninh đã ở lì trong cái chòi gỗ sau vườn hơn một tuần, như con gấu thờ ơ buồn bã. Tôi leo lên căn phòng nhỏ bằng gỗ trước là nơi vẽ của Ninh. Mùi giấy báo, mùi sơn khô, mùi dầu hỏa nồng nặc xông thẳng ra như bầy ong vàng hung. Cô bạn tôi ngồi im trên cái bục mẫu, nhìn đám lá qua lỗ thủng trên trần. Mọi thứ hệt một cảnh phim khiến tôi chán ốm.
Ninh lầu bầu cho biết cô ta không bao giờ tới xưởng phim nữa. Tôi chẳng hỏi lý do. Lý do của các cô gái độc lập thường chính xác nhưng khó hiểu. Dù không đau răng, Ninh dùng cháo, uống hàng bình nước trà, rồi lại nằm im suy nghĩ về đủ thứ vớ vẩn - tuổi trẻ, thời gian, tình yêu, và cả sự sinh nở. Tôi gợi chuyện chán rồi cũng lặng thinh theo.
Đến tối Ninh muốn tới quán gần trường đại học. Quán mở mấy bài cũ của Bee Gees. Tôi lầm bầm hát theo. Những ngày đó (một tuần? Có thể nhiều hơn) Ninh ở trong tầm nhìn và sự quan tâm của tôi. Vài tối muộn tôi ngủ lại xưởng vẽ gỗ cũ. Tôi nghe tiếng cô ta trở mình như con cá trong chậu nước. Nhưng tất cả chỉ dừng ở đấy.
Khi tôi đi làm thiết kế hơn một năm và Ninh ra khỏi trạng thái suy sụp, chúng tôi vét tiền mở cửa hàng gốm. Một cô gái trẻ, nói tiếng Anh và Đức lưu loát, am hiểu tranh sơn dầu và kỹ thuật men - những chi tiết này thu hút khách tới đông cửa hàng. Chúng tôi kiếm nhiều tiền. Thi thoảng tôi đoán Ninh sắp bỏ đi. Nhưng cô ta vui tươi.
Khi tôi thổ lộ về cô gái tình cờ thang máy cao ốc, người cùng hội cùng thuyền phá lên cười, nhướn mày: - Như thế có liên quan tới tình yêu không? - Đi thang máy và mất ngủ ư? - Tôi lúng túng. Ninh không trả lời, lật báo xem những món gốm cổ mới vớt lên từ đáy biển.
Khuya, lúc tôi gần tới chỗ đứng trên dốc nhìn về chung cư có ô cửa nhà T. trắng xanh, Ninh phóng sượt qua, phanh gấp, nhìn vào mắt tôi: "Cậu hãy lập tức nói với cô gái kia những gì cậu nghĩ, hoặc đừng dính líu vào vụ này nữa...". Tôi sợ gì chứ? Không biết! Chỉ rõ ràng tôi không can đảm như người chạy xe rất nhanh xuyên qua bóng tối.
Ninh làm những điều mình nghĩ: Bỏ đi khỏi xưởng phim, nhúng tay vào mối vất vả chạy hàng, vẽ gốm, giao dịch... Tức là rời bỏ trạng thái yên ổn để đối diện sự huyên náo và nguy cơ thất bại rình rập. Nhưng cô ta đâu có chìm xuồng. Có lẽ tôi cũng nên làm điều gì, thay vì đứng yên và nhìn về ô cửa mỗi khuya.
Tòa chung cư nhìn gần lớn hơn tôi nghĩ. Những bức tường liên miên thấm ướt bắt đầu lên rêu ở mấy vết nứt, một con chó chạy rong ngửi những bông hoa dại đọng nước mưa.
Tôi hỏi đường lên tầng hai. Người đàn bà giữ xe chung cư có đôi mắt kỳ dị khiến cảm giác nhẹ nhõm tươi tắn mà Ninh truyền cho tôi phai nhạt chút ít. Tôi nhìn lại bó cúc đất xanh lam ban nãy mua, hít một hơi dài. Dãy hành lang đọng nước. Tôi gõ nhẹ cánh cửa người ta chỉ dẫn, bỗng dưng muốn bỏ đi. Tuy nhiên cửa đã mở.
Gương mặt T. đã ở đấy như hàng trăm, không, hàng ngàn lần tôi thấy trong tưởng tượng. Cô ngạc nhiên tột độ, rồi cười dịu dàng: "Vào đi!". Bên trong căn phòng nhỏ của T., mọi thứ toát lên vẻ âm thầm hơi bất an của những món đồ không ở đúng vị trí của nó.
Tôi liếc nhìn quyển sách trên bàn, đó là tựa sách mà tôi có nhắc tới lần đầu gặp T. để khỏa lấp sự bối rối. Cô gái mang ra cà phê trong cái tách nâu, bảo: "Buổi chiều uống cà phê thì ngày như dài hơn...". Tôi gật đầu: "Ừ, nghĩa là mình cũng làm thêm được nhiều việc.Tối nào tôi cũng uống nó, nhưng chẳng ngon thế này". Nụ cười tỏa trên mặt T. như sóng thấm lên bờ cát.
Tôi nhấp một ngụm đen sánh, tự hỏi vì sao quá lâu tôi trì hoãn tới tìm T.. Bó cúc toả mùi hăng hắc nằm dưới gầm bàn. Ngoài cửa sổ, chiều chất đầy mây sẫm. Những con bồ câu xám tro rời bầu trời xám tro trở về tổ trên sân thượng.
Cô gái đối diện cũng vừa đi làm về, quầng mắt thoáng mỏi mệt như hai mặt hồ sâu thẳm...Một khung cảnh bình thản để người ta nói thật nhưng suy nghĩ của mình. Tôi nói nhanh: "T. này, tối nay tôi không ra cửa hàng. Hình như tôi muốn được đưa T. đi loanh quanh chơi". Cô ngẩng lên, tia nhìn tối sẫm: "Anh nghĩ như vậy sẽ dễ chịu ư?".
Cảm giác choáng váng giống như thể trồng cây chuối quá lâu rồi biết mình không thể đứng lên được nữa. Tôi nghĩ cô từ chối, đơn giản là T. không nghĩ tới tôi như tôi nghĩ tới cô, hoặc tệ hơn, tất cả những gì thuộc về tôi khiến cô xa lạ. Cô gái vào bếp mang ra vài quả trứng luộc. Chúng tôi ăn trứng chấm muối, uống cà phê, kiềm chế tâm trạng của mình khỏi sự xao động thất vọng.
Tôi chộp vài mẩu chuyện bay vụt qua đầu, nói huyên thuyên. T. nghe nhưng nhìn đâu đâu, tháo giấy báo bọc bó hoa cúc, cảm ơn tôi đã nhắc cô bây giờ sang Đông, cũng có nghĩa là cô ra trường đi làm gần một năm rồi... Những căn hộ chung quanh bắt đầu cuộc sống buổi tối. Trẻ con la hét. Tiếng bếp núc. Âm thanh của những tập phim Hàn Quốc.
Chúng tôi đứng nán bên cửa sổ nhìn qua ti-vi màn hình lớn nhà bên cạnh. Phải chăng ti-vi đã dựng nên trong tôi ao ước vô hình về tình yêu, về cuộc sống tươi màu và hạnh phúc như thế... Nhưng sao khi tôi đem nó ra thử nghiệm, T. đã thoái thác? Tôi chỉ cho T. một nhân vật nữ làm việc cật lực, cáu bẳn, bảo giống Ninh, người cùng hội cùng thuyền của tôi nhiều năm qua.
Thình lình T. ngoảnh sát mặt tôi, giọng như hơi thở nhẹ: "Cô Ninh ấy hay lắm. Còn tôi, chỉ là thứ xúc cảm thoáng qua thôi. Như một bộ phim, người ta có thể cười to hay khóc to vì nó, nhưng rồi phim hết người ta ra khỏi rạp và chẳng có gì quan trọng nữa...".
Tôi lục điếu thuốc nhàu trong túi. Thế đấy, tôi đã nghĩ mình sẽ không đụng vào thuốc vì T. làm văn phòng, cô không chịu nổi nó. Tuy nhiên, mọi việc đã khác. Tôi nhìn điếu thuốc như quan sát một vật lạ, rồi thả nó rơi xuống sân cỏ. ... Phải khá lâu sau buổi chiều kỳ quặc trên, tôi mới thu xếp ổn thoả với cảm giác trống rỗng và sự cô độc không rõ tên.
Ninh là người bạn khôn ngoan. Cô ta không tò mò, không bày tỏ cảm thông vì ở một lẽ nào đấy, chúng tôi thân nhau tới mức không thể mở lời an ủi nhau được. Tôi thôi uống cà phê bởi chẳng cần nó, cũng đủ thấy một ngày dài. Ninh lấy cái bình thủy về nhà, đổ đầy cà phê nhưng pha thêm sữa và cả hai cùng uống khi tối muộn.
Tôi ghét sữa. Cô ta ghét thứ nước đen kịt. Một sự trung hòa cũng được. Mưa nhiều, nhất là các buổi chiều. Khách tới cửa hàng ít. Hai đứa chung tiền mua một cái ti-vi nhỏ và ngồi trong góc hiệu xem tất cả các game show, nghe các chương trình ca nhạc, cười vui vẻ.
Phim Hàn Quốc cũng hấp dẫn. Ninh theo dõi chúng với vẻ ngờ vực. Tôi hơi xấu hổ nhớ lại đã có lúc hình dung tình yêu sẽ mọc lên trong cảnh lãng mạn như vậy. Tình yêu, suy cho cùng, cũng chỉ là một mẩu ghép nhỏ trong cuộc sống. Và người ta không thể rập vài khuôn mẫu, dù hoàn hảo và lãng mạn...
Mọi việc lại chảy đi với nhịp độ bình thường. Thỉnh thoảng tôi giáp mặt T. trong toà cao ốc. Cô bước vào thang máy, bấm nút chờ, không nói gì. Người trông xe chung cư cái chiều hôm đó cho biết T. là tình nhân ông chủ cô làm thư ký, cô sống trong căn hộ ông ta thuê gần một năm nay. Mách bảo ấy từng khiến tôi cay đắng biết bao.
Tôi nghĩ giá mà cô chọn cách sống khác. Mối tình công sở giống như ngọn núi lửa tàn lụi và sự quyến rũ đi cùng nó cũng tắt theo, chỉ còn chút thông cảm dịu dàng như vệt tro nhẹ... Ninh tắt ti-vi, bắt đầu ôn ngoại ngữ. Cô ta lúc nào cũng bận rộn và tỏ ra bực bội khi tôi nhàn tản.
Thêm một người khách Tây hỏi mua mấy cái cốc Phù Lãng. Tôi gói hàng, bấm thẻ tín dụng, nhẩm tính số tiền thu được trong ngày. Bỗng Ninh gấp sách, nói to: "Hôm nay kiếm được thế là đủ. Chúng ta đi đâu thôi. Không nên ở trong nhà quá nhiều, nhất là tối không mưa".
Tôi ngạc nhiên, hơi buồn cười. Chúng tôi chạy chung cái xe cũ của Ninh. Mới hơn 9 giờ, đường phố không quá ồn ào. Tôi cho xe đi mãi, hít đầy phổi hơi muối bám trên những ngọn gió từ biển lùa về. Cảm giác ra khơi như một cánh buồm đột nhiên trỗi dậy, không lầm lẫn. Tôi nói: "Ninh này, tụi mình cần làm cái gì tử tế, trước khi thời gian trẻ qua mất...".
Cô ta không trả lời, chỉ đặt nhẹ đầu trên vai tôi. Một hơi ấm tưởng như bỏ quên. Một hương vị cà phê gần gũi. Luôn là vậy, hạnh phúc, cảm giác bắt đầu từ những thứ bình thường không ngờ.