DMCA.com Protection Status

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Rời xa mái trường cấp ba, rời xa vòng tay chăm sóc, bảo vệ của ba mẹ, bạn không còn là cô bé nhõng nhẽo, không khỏi bơ vơ khi lạc đường, không khỏi òa khóc lên vì nhớ nhà.

Chào cô bạn tân sinh viên, để mình gọi bạn như tên một tác phẩm đang đình đám trên mạng nhé. “Xách ba lô lên và đi”. Không giống như nhân vật của tác giả Huyền Chíp, bạn đâu cần dạt nhà, cũng không cần vượt biên và càng không phải làm căn cước giả. Bạn  là cô tân sinh viên một trường đại học.


1. Rời xa những cám dỗ xung quanh:
Bước chân vào giảng đường đại học, bạn không khỏi bỡ ngỡ trước hào nhoáng chốn thành thị với những cám dỗ xung quanh. Hãy dừng lại và suy ngẫm đó là lời khuyên đầu tiên mình dành cho bạn. Bạn không là ai ngay cả khi bạn từng đỗ thủ khoa của trường. Mình không phủ nhận thành quả 12 năm đèn sách của bạn nhưng điều đó không có nghĩa là nhà trường bạn không có quyền đuổi một sinh viên tồi như bạn. Một lời đơn giản thôi. Thành quả 12 năm đèn sách thành quả đắng hay quả ngọt còn phù thuộc vào bạn.

2. Chi tiêu hợp lý:
Một tháng gia đình bạn chu cấp cho bạn ba triệu hay năm triệu hay nhiều hơn? Nhưng mình tin chắc rằng bạn vẫn sẽ hết tiền trong giai đoạn cuối mỗi lần chu cấp hay đúng hơn là hết tiền giữa tháng. Hãy xây dựng một quỹ tiền một cách hợp lý và hiệu quả. Đó là lời khuyên thứ hai mình dành cho bạn.
Bạn có thể phân chia từng khoản tiền cho mỗi mục đích khác nhau. Một tháng bạn sẽ trích bao nhiêu tiền cho tiền học, bao nhiêu tiền cho tiền nhà, tiền nước, tiền điện,… bao nhiêu tiền cho tiền ăn, bao nhiêu tiền cho các khoản linh tinh như tiền sinh nhật, tiền mua sắm,… hay đơn giản là tiền ăn vặt.
Đôi khi bạn cảm thấy hơi khó khi thực hiện việc đó. Cách cuối cùng bạn có thể áp dụng và đó là cách mình từng làm ngày còn sinh viên, đó là nhờ sự trợ giúp của phụ huynh. Như mình được biết, đại đa số sinh viên được chu cấp từ phụ huynh thông qua thẻ ATM vì tiện lợi và an toàn. Nên khi sức công phá của bạn lớn hơn sức lực bố mẹ bỏ ra mỗi tháng thì việc chu cấp theo ngày, theo tuần, theo ý kiến riêng mình, là tương đối hợp lý. Việc chuyển tiền chi tiêu (bao gồm tiền ăn, tiền các khoản linh tinh) định kỳ theo ngày, theo tuần giúp bạn hạn chế việc bạn mua sắm và chi các khoản không cần thiết. Và tất nhiên tiền học và tiền nhà là một khoản không phát sinh thường xuyên nên không được xét vào đây.

3. Hòa đồng với người trong xóm và kết bạn mới trên giảng đường:
Hãy ngồi lại và thử tính xem bạn đang có bao nhiêu người bạn trong vòng 3 tháng bạn theo học ở đây. Rất nhiều phải không? Khi rời xa gia đình, rời xa những người bạn thân thời niên thiếu, tình cảm bạn bè, tình cảm láng giềng là điều liên kết duy nhất mà bạn đang có thời sinh viên. Hãy luôn vui vẻ và hòa đồng với mọi người, điều đó rất tốt cho bạn trong những thời gian bạn học. Không ai là người không bao giờ không gặp khó khăn trong cuộc sống. Và người duy nhất bên bạn những lúc đó không phải bố mẹ, không phải thằng bạn thân thời mẫu giáo mà chính là người bạn cùng phòng. Những sẻ chia, những niểm vui, những nỗi buồn sẽ giúp cho bạn phần nào quên đi nỗi nhớ gia đình. 

 

4. Thay đổi phương pháp học:
Khi bước chân vào giảng đường, điều bạn cần thay đổi đầu tiên chính là phương pháp học. Môi trường đại học hoàn toàn khác so với môi trường trước đấy. Bạn sẽ không nhận được sự quan tâm hay lời nhắc nhở từ giáo viên chủ nhiệm trong suốt thời gian bạn theo học. Đừng vội tức giận khi giáo viên bộ môn gọi nhầm tên bạn. Khi thiếu hụt sự quan tâm từ nhà trường, không có sự giám sát từ gia đình, nhiều bạn như chim sổ lồng, ăn chơi, đua đòi,… Nên bạn cần có trách nhiệm với chính bản thân và việc thay đổi phương pháp học là điều nên làm mỗi sinh viên cần có.

5. Đừng bao giờ để đến lúc thi mới vắt chân lên chạy
 
Bạn không phải một thiên tài, bạn không thể học thuộc một lần bài giảng hoàn toàn mới chỉ trong 45 phút. Một kỳ nhà trường sẽ cố gắng sắp xếp cho bạn học từ 5 đến 8 môn và mỗi kỳ bạn được nhà trường dành cho năm tháng để tìm tòi và học hỏi chứ không phải bốn tháng dành cho bạn chơi và một tháng để bạn ôn thi. Hãy cố gắng nắm vững những kiến thức cơ bản nhất có thể để một tháng ôn thi đó để bạn dành cho bạn tổng hợp những kiến thức đó. Kiến thức trên giảng đường là kiến thức rộng lớn và chi tiết, bạn cần cố gắng bao quát nó một cách ngắn gọn và súc tích nhất.
 
Nếu một ngày ai đó cười và nghĩ rằng bạn bị điên khi bạn nói rằng bạn cần học thêm kiến thức phần mền thì mình nghĩ bạn nên nghĩ lại về người bạn đó. Không ai là người hoàn hảo nên việc bạn bổ sung những kiến thức cơ bản về giao tiếp hay đàm phán là điều tương đối cần thiết.

6. Tìm kiếm làm thêm:
 
Nếu ai đó hỏi mình rằng điều đáng tiếc nhất thời sinh viên của mình là gì? Mình có thể khẳng định rằng đó là mình đã không đi làm thêm. Và đây cũng là lời khuyên thứ tư của mình. Khi còn là sinh viên, bạn nên tìm kiếm việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành và phù hợp với thời gian. Mình không khuyến khích bạn dành tất cả quỹ thời gian dành cho việc làm thêm nhưng việc bổ sung kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian ngồi trong ghế nhà trường là việc nên làm. 

Khi mình vừa rời khỏi chiếc ghế nhà trường, điều mình lo sợ nhất là mình không có kinh nghiệm trong ngành nghề của mình. Điều lo sợ của mình đã đúng, khó có một công ty nào tuyển dụng một nhân viên chưa từng làm việc như mình. Và mình nghĩ khi là sinh viên, bạn nên năng động và tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành và phù hợp với quỹ thời gian của mình.

Đây là sáu kinh nghiệm mình đúc kết sau 4 năm học đại học, ai cũng sẽ có lúc phải trải qua những giai đoạn này nhưng mình nghĩ rằng trong những năm mình trải qua, mình thấy thời sinh viên vẫn là thời đẹp nhất. Hãy cố gắng gìn giữ để kỷ niệm thời sinh viên vẫn sống trong lòng chúng ta.
Đặng Thị Thu Trang