DMCA.com Protection Status

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Tony mới đi cà phê với Mr John, giám đốc 1 công ty thức ăn cho heo ở Bình Dương về. John nói tuần trước công ty phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên dự tuyển vòng chung kết, ai cũng đạt tiêu chuẩn nên John chờ thử sau đó coi có bạn nào gửi thư cảm ơn thì sẽ nhận họ.

Chờ miết không thấy ai gửi gì nên John phải đăng tin phỏng vấn tuyển tiếp...

Tony nói John mà suy nghĩ vậy thì tết Cônggô cũng không tìm ra người làm nào đâu. Tony khuyên John kiếm đại 1 sinh viên mới ra trường, coi mặt mũi thông minh lanh lẹ, có văn hóa đọc sách thì ở Việt Nam đều là ứng viên khá. 
John đem về đào tạo, ươm trồng rồi hái quả, chứ đi săn bắn hái lượm nhân sự của mấy công ty đối thủ làm chi, lúc đó họ thành tre hết rồi, uốn không được đâu. Nhưng John không chịu.
Chuyện của John nhắc đIều gì? Có mỗi cái “hậu thư”(follow-up letter) hay cái thư cảm ơn (thank-you letter) sao người mình ít ai nhớ mà làm.
Nhiều bạn ứng viên lúc phỏng vấn kém một chút về trình độ chuyên môn hay ngoại ngữ, nhưng phỏng vấn xong, khi về nhà gửi thư cảm ơn, nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm vì thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau.
Còn cũng có những bạn đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về xong im thin thít, chẳng có nổi cái tin nhắn “đã về nhà an toàn, cảm ơn đã cho em ăn bữa tối hôm nay”.
Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bên đó thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì im ắng hoàn toàn.
Đi về phải gửi thư cảm ơn, nói đã về nhà an toàn, cảm ơn thời gian anh/chị tiếp đón tôi ở Cali chớ. Phép lịch sự tối thiểu này phải có, để khi làm việc ở môi trường quốc tế người ta không coi thường người Việt mình ở những hành xử tưởng như là cơ bản nhất.
Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là đi không ngoảnh lại, nhưng vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, đó là thói quen của nhiều bạn trẻ có thể ảnh hưởng đến kết quả lâu dài trong công việc của mình.
Muốn sửa thói quen "hay lãng quên" đó không có cách nào khác là phải rèn luyện trong từng ngày sống và làm việc của mình. Ví dụ rõ nhất là cách chúng ta đối với thầy cô. 
Thường chờ tới ngày 20-11 nhiều bạn mới đến thăm thầy thăm cô, mà hầu như chỉ là thầy cô đang dạy mình. Nên thay đổi bằng thói quen thăm lại thầy cô giáo cũ, chăm sóc thầy cô nếu có thể, đừng để lãng quên thầy cô đến mức ra đường cứ nhớ mang máng "người này hơi quen quen", vì đó là những người đã dạy dỗ khai sáng cho mình, mình còn không nhớ đến công ơn thì còn biết ơn và nhớ đến ai nữa...
Với bạn bè, cũng có kiểu người cả chục năm không gọi, không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn học lớp 7 của mày nè, nhớ hông. Thì y như là: 1 - mượn tiền, 2 - mời đám cưới, 3 - nhờ vả gửi con gửi cháu.
Gặp "thể loại" này nên từ chối thẳng, nói cho mượn tiền mà cả chục năm không gặp rồi sao lấy lại được? Bạn học hay bạn gì cũng vậy, phải có tình cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, thư từ qua lại, chứ chỉ xuất hiện lúc cần rồi biến mất thì mối quan hệ đó không bền vững.
Mình chỉ có 24 giờ trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỉ người trên Trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng hơn.
Cũng có kiểu bạn trẻ chẳng biết tôn giáo có ý nghĩa gì, nhưng lâu lâu đến chùa đến miếu là y như đi xin cái gì đó, xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La, cho con trúng số... mà hằng ngày không tập làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, còn ai thì mặc kệ. Cần thì lại xin. 
Nhóm người này đều không thành công trong cả công việc lẫn cuộc sống, vì thánh thần và cả người phàm khó ai yêu thương tính thực dụng ấy.
Tình cảm chân thành qua lại giữa con người với con người, xem trọng việc hành xử chu đáo, văn minh nằm trong số những yếu tố dẫn đến những thành công bền vững.
TONY NGUYỄN (chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM)