DMCA.com Protection Status

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Ngày trở về lòng đong đầy kỷ niệm: như vẫn còn đâu đây tiếng thầy cô giảng bài, bao tiếng nói cười ngày nào sao tha thiết thế. Rưng rưng lòng quá khát thèm một thời áo trắng đầy mộng mơ. Có bao giờ lòng ta nguôi quên được những tháng ngày đến trường. Thương quá trường xưa! Cách đây hơn 30 năm, chúng tôi đã chia tay thầy cô, bạn hữu bao mến thương. Nhưng dù là lưu luyến, mến thương… bao nhiêu đi chăng nữa thì cuộc chia tay vẫn cứ phải diễn ra và bâng khuâng nhìn cánh phượng rơi. Chia tay cô giáo, xa nơi mái trường Bao năm đầy ắp tình thương Một thời để nhớ- mãi vương tơ lòng. Để rồi trong năm tháng cuộc đời chúng tôi luôn mang trong lòng hình ảnh mái trường xưa, tình cảm bạn bè, thầy cô. Quên sao được những đêm dài cô ngồi chấm bài, soát kỹ từng lỗi chính tả bài văn, mỗi khi em mặc áo lệch khuy, được cô chỉnh lại cho ngay ngắn, rồi cô hỏi: “Em ăn có được no không? Em mặc có ấm không?” Ôi! Những lúc như thế em cứ rơm rớm nước mắt mà không sao nói nổi với cô. Quên sao được bao đêm đông thầy ngồi cặm cụi để tìm ra phương pháp giải toán hay nhất? Quên sao được, mặc dù đêm tối mà thầy cô vẫn đội mưa to, gió rét buốt thấu xương để dạy “phụ đạo” cho chúng em? Rất nhiều đêm như thế, tất cả với tấm lòng vì học sinh thân yêu mà không hề đòi hỏi một chút thù lao nào mặc dù cuộc sống hàng ngày của thầy cô rất nghèo khổ. Bây giờ nhớ và nghĩ lại, lòng ta không khỏi thương quá lớp cũ, trường xưa… trong đó có các thầy cô đã ân cần dạy dỗ chúng ta biết cái lẽ làm người. Qua đó cũng đủ thấy lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm không gì sánh nổi của thầy cô đối với “sự nghiệp trồng người” lúc bấy giờ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, lớp học phải học vào ban đêm với ánh đèn dầu leo lét. Vì ban ngày phải tránh máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, còn học sinh thì đi bộ độ 4km mới tới được lớp học và cứ quần nâu, áo vá, chân đất đi học. Học sinh phải cơm nắm (trong có độn khoai lang) ăn với muối vừng để học ôn thi. Nếu học sinh nào trọ lại ở nhà dân gần trường thì được giúp đỡ tận tình mà không phải trả tiền nhà như bây giờ. Nhưng có một điều dù trong hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu chúng tôi vẫn luôn nhắc nhủ nhau luôn luôn nghiêm túc học tập tốt để khỏi phụ công của thầy cô và bố mẹ, gia đình. Thương lắm mái trường xưa… Ở đó, chúng em không những được thầy cô dạy cho cái chữ, mà còn được thầy cô dạy cho cái nghĩa ở đời. Thầy cô thường khuyên chúng em: “Đừng thấy bạn đen đủi, xấu xí mà chê bai, đừng thấy ai lam lũ, rách rưới mà cười khinh, cái gốc của con người ta là cái tâm và tình yêu thương con người”. Vâng! Dù hơn 30 năm hay lâu hơn nữa, tóc trò nay đã vương nhiều sợi bạc, còn thầy cô thì đã già, mà tình thầy cô vẫn sưởi ấm trên mọi nẻo đường đời của học sinh. Hành trang chúng em luôn mang đi kể từ khi tạm xa mái trường là bài toán, lời thơ, câu văn và những lời giảng ngọt ngào của thầy cô, luôn có sức lay động soi rọi trong tâm hồn chúng em. Và chúng em vẫn hằng tin yêu thầy cô và vẫn mong thầy cô chỉ bảo để chúng em tiến xa hơn nữa. Đúng là “Cha mẹ khai sinh, thầy cô khai tâm…”, “Con người ta sinh ra không có cái tâm khác nào một thế giới hoang dã” và “Quyền lực, danh vọng, tiền tài chưa bao giờ thuộc về người thầy. Không ai tạc ghi tên thầy bằng đá kim cương nhưng mọi người có học đều mang theo suốt đời hình ảnh của thầy giáo”. Thương lắm trường xưa! Hôm nay ngày trở lại! Mà lòng ta sao cứ nao nao- thầy cô bạn bè giờ ở nơi nao? Mong sao cùng về đây, được dang rộng vòng tay để ôm lấy cây phượng già mà biết bao năm phượng vẫn nở hoa cho lòng… chờ đợi ta về… Thương lắm trường xưa! Ai còn bần hàn, vất vả cấy lúa, trồng khoai nơi thôn dã; ai đã thành đạt, giàu sang nơi đô hội thì xin hãy về đây… hòa đồng trong tình xứ sở, quê hương, mái trường, thầy cô, bạn bè với tấm lòng tri âm về trường xưa yêu dấu. Thương quá trường xưa! Từ nơi này, chúng ta đã tự tin, tự hào về mái trường, thầy cô, để khi trở về lòng vẫn vẹn nguyên và suốt đời mang bao hoài niệm về mái trường xưa nơi đã chắp cánh ta bay tới bến bờ xa của ước mơ.



TRẦN ĐỨC ĐỦ (Bắc Giang)