DMCA.com Protection Status
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phiếm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phiếm. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

LẮNG NGHE...

...
- Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu... hàaaa...
- Mới dô tới ly thứ hai nha ông! Tui nhớ hình như đó là câu khẩu hiệu làm ăn của Công ty Prudential, ông định cải biên chọc quê họ, họ kiện là ông tiêu đời nha ông...
- Thì tui cũng chỉ nghe tụi trẻ nói thôi mà... hình như tụi nó nói đó là châm ngôn của tuổi trẻ thời nay...
- Bó tay, tụi trẻ nói chuyện châm biếm mà ông cũng nghe...
- Không những nghe, mà tui còn nghĩ tới ngẫm lui nữa đó...
- Chà, bữa nay có chuyện mới nha, dô một cái rồi ông nói tui nghe thử coi...
- Rồi, dô... khà... là tui ngẫm về cái sự nghe và cái sự hiểu... Không nghe thì không hiểu, có nghe thì có hiểu, luôn luôn lắng nghe thì luôn luôn thấu hiểu...
- Rồi... chính xác luôn, và cũng... đơn giản luôn, vậy mà tui lại tưởng ông ngẫm cái gì siêu cấp hơn...
- Cứ từ từ rồi tui nói cho ông nghe, nói thì như thế, còn thực tế lại khác xa lắc ông ơi…
- Rồi, ông cho minh họa thực tế đi…
- Minh họa thực tế luôn! Này nhé, tui hỏi ông, ông nghe tui nói chuyện về cái dĩa mồi trước mắt ông và tui nè, ông nghe một chặp, rồi tui hỏi lại ông cái dĩa mồi tui nói về nó như thế nào thì ông lại không nhớ hết, không nhớ đúng, vậy là sao?
- ... à… à… tui mắc nghĩ chuyện thằng con tui, thiệt… cái thằng…
- Vậy là do ông mãi nghĩ đến chuyện khác, ông chưa chịu lắng nghe tui nói, đúng hông? Muốn hiểu điều tui nói thì trước tiên ông phải biết lắng nghe, bỏ hết mọi chuyện khác trong đầu, tập trung lắng nghe cái đã, đúng hông? Ông thua 1-0 rồi nha...
- ... ờ... ờ... Rồi, tui thua 1-0, tui tự phạt tui... nửa ly... khà... rồi... giờ lắng nghe nè...
- Rồi, nghe tiếp nè, tui mô tả cái dĩa mồi nó như thế này, ông lại nói nhìn nó không phải như thế, vậy là sao?
- Tui thấy khác thì tui nói khác...
- Vậy là do ông ngồi bên trái, còn tui ngồi bên phải cái dĩa mồi nên ông thấy khác tui, đúng hông? Muốn hiểu điều tui nói thì ông phải ngồi đúng cái chỗ tui ngồi để nhìn cái dĩa mồi như tui đang nhìn nó, đúng hông? Ông thua tiếp 2-0...
- ... ờ... ờ... Rồi, tui thua tiếp 2-0, tui tự phạt tui... nửa ly... khà... giờ tui qua ngồi ngay chỗ của ông, nghe tiếp nè...
- Rồi, hưởng ứng với ông nửa ly... khà... miếng thịt nướng này quá ngon... đã đã nha...
- Miếng thịt đó nướng chưa dòn mà ông khen ngon...
- Khúc này mới quan trọng à nha... tui ăn miếng thịt này thấy ngon, còn ông ăn lại nói không ngon, vậy là sao?
- Tui khoái thịt nướng dòn, nướng dòn tui ăn mới thấy ngon... ông thì cứ khoái nướng mềm hoài...
- Vậy là do ông khoái kiểu này, tui khoái kiểu khác, đầu ông khác đầu tui, bụng ông khác bụng tui nên ông thấy khác tui. Cho dù ông có ráng lắng nghe câu chuyện của tui, ráng ngồi đúng chỗ ngồi của tui, ông vẫn không hiểu cái đầu tui nghĩ gì, cái bụng tui muốn gì, nghĩa là ông không hiểu tui, đúng hông? Khi ông nghe cái điều tui nói, ông chỉ hiểu theo cái đầu của ông, theo cái bụng của ông để ông diễn giải, rồi ông túm lại một cục là ông hiểu tui, rồi ông nhận xét thế này, rồi ông phê phán thế nọ; vì không hiểu tui nên ông nhận xét, ông phê phán trật lất hết trơn rồi ông ui! Ông thua tiếp 3-0...
- ... ờ... ờ... hóa ra luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu một lần. Rồi, tui thua tiếp 3-0, tui tự...
- Tự phạt á? Thôi đi ông ơi! Mình nói chuyện phiếm cho vui mà... Ông luôn luôn lắng nghe tui, lâu lâu mới hiểu tui một lần là tui còn may mắn hơn rất nhiều người rồi đó, ông bạn của tui ơi! Tui với ông cùng dô một trăm phần trăm nghen...
- Ờ, tui với ông là bạn bè lâu năm mà lâu lâu mới hiểu được nhau một lần... còn người lạ hay người mới quen mà họ nói họ hiểu thì tui hổng biết họ hiểu cái gì... tui trăm phần trăm với ông nè, tới luôn!
- Rồi, bữa nay coi như ông với tui tạm gọi là đồng cảm, dô!


dovaden2010

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

TÌM VẦN
Thưở trước, đêm trăng sáng, các cháu bé trong xóm thường rủ nhau chơi trăng. Sau khi chơi chán những trò ô quan, nhảy dây, đo gang, rồng rắn… (chạy, nhảy nhiều nên mệt rồi!), bọn trẻ chơi trò “Lục Vân Tiên cõng mẹ”.
Thật ra đây là trò chơi trí tuệ, chỉ cần đứng hoặc ngồi theo nhóm mà đọc thôi!
Mỗi nhóm cử đại diện “oảnh tù tì”, nhóm nào thắng được quyền xướng trước 1 trong 2 câu: “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cây đa cõng mẹ chạy vô” hoặc câu “Vân Tiên cõng mẹ chạy , đụng phải cái ô cõng mẹ chạy ra”, nhóm kia sẽ đáp lại bằng câu kia.
“Chạy ra” thì phải tìm những từ có vần “a”.
“Chạy ” thì phải tìm những từ có vần “ô”.
Từ nào đọc rồi là không được đọc lại.
Nhóm nào “bí” không tìm ra vần là nhóm đó thua, thua thì phải cõng nhóm kia như “Lục Vân Tiên cõng mẹ” đi vòng vòng…
Thường thì bọn trẻ phân biệt hẳn ra nhóm con trai và nhóm con gái để chơi trò này, xem coi con trai hay con gái ai nhanh trí hơn???
“Chạy ra” có cây đa, cái ca, con cá, trái cà, ông già, bà già…
“Chạy vô” có cái ô, cây khô, con hổ, cái bồ, ô tô, mô tô…
Đến lúc hết từ nghiêm chỉnh, bí quá, chúng đọc “tất tần tật” những từ chợt nghĩ ra trong đầu.
“Chạy ra” đọc luôn cụm từ “bị mẹ la”, “tất cả”, “nghĩ cái đã”, …
“Chạy vô” đọc luôn cụm từ “con số”, “đi buôn bị lỗ”, “đau khổ”…
Rồi tranh cãi với nhau kịch liệt, cho là nhóm kia đọc từ vô nghĩa, phải chịu thua!
Nghe rất vui!
Trò chơi này thật hay!
Giờ chẳng còn thấy các cháu bé chơi trò này nữa!
Than ôi! Những trò chơi vui và hay của tuổi thơ ngày xưa, nay còn đâu!!!
  

dovaden2010

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

CÁT VÀ... SẠN

- Chú ơi! Chú xem giúp con bài tập làm văn con mới làm nha chú!
Cô bé ở cạnh nhà, đang học lớp năm, rất chăm chỉ, lâu lâu hay chạy qua nhờ mình giúp cho việc học.  
- Được rồi, cho chú xem nào!
Sau khi hướng dẫn thêm, cô bé tự viết lại bài tập làm văn theo sát gợi ý của cô giáo.
- So với bài viết lúc trước, bài viết này con thấy thế nào?
- Con thấy hay hơn nhiều.
- Con giỏi lắm, chỉ có điều bài tập làm văn của con có nhiều cát quá!
- Cát... là sao, con không hiểu?
- Khi ta đang ăn một bữa ăn ngon, gặp phải vài hạt cát lẫn vào trong đó, ta sẽ thấy thế nào?
- Ê răng và khó chịu lắm, chú ạ!
- Đọc một bài tập làm văn hay, ta như đang thưởng thức một bữa ăn ngon; nhưng những lỗi chính tả lại giống y như những hạt cát lẫn vào, ta thấy ê răng lắm! Sau này học càng cao, con sẽ viết những bài văn, làm những bài thơ hay hơn nữa, nếu con không chú ý những lỗi chính tả, thì hạt cát sẽ thành hạt sạn, thậm chí thành hòn sỏi. Eo ơi! Lúc đó không còn là ê răng nữa, mà là bị mẻ răng luôn, đau lắm lắm! Con có sợ không?
- Con cũng sợ đau răng lắm!
- Vậy thì bây giờ, ta cùng nhau xem lại những lỗi chính tả nào!
- Dạ!
..........

dovaden2010  

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

HỌ HÀNG NHÀ ẾCH

Mình được giao nhiệm vụ thay mặt cấp trên đi dự họp với các đơn vị khác về việc xây dựng các dự án có liên quan. Đây là cuộc họp quan trọng của các cấp trên với nhau.
Trong cuộc họp, mình ngồi nghe các cấp trên bình luận, góp ý các dự án mà cứ cười thầm. Các ngài bình luận, góp ý rất nhiều. Có ngài góp ý đến cả mươi, mười lăm phút. Có vị, ngay trong chính chuyên ngành của mình, lại không hiểu biết cho sâu sắc; vị khác, muốn chứng tỏ mình học cao, hiểu rộng, viện dẫn nhiều lĩnh vực khác không chuyên ngành, thì lại mới chỉ hiểu lơ mơ, phiếm diện.
Kiến thức và hiểu biết của các ngài không ngang tầm với vị trí, tư thế mà các ngài đang đứng. Thật tội nghiệp cho người trực tiếp xây dựng dự án, chỉ biết dạ, vâng mà trong bụng thì âm thầm kêu khổ.
“Nói dài, nói dai, chẳng qua nói dại; bởi vì càng nói lại càng lòi ra cái dốt của bản thân” – Câu này không biết ai nói, nhưng trong cuộc họp này, mình ngồi ngẫm nghĩ thấy quá đúng!
Kiến thức thì mênh mông, chưa nắm chắc thì chưa nên nói, nhất là trong những lĩnh vực không chuyên ngành – đó là bài học cho bản thân mình qua cuộc họp này.
Chỉ không hiểu sao, họ hàng nhà ếch lại quá nhiều!!!
  

dovaden2010

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014



CON VỚI CÁI

Mấy đứa nhóc học chung với nhau lớp Ba, lớp Bốn (học theo hộ khẩu ấy mà – cũng có thể có đứa ở nơi khác “chạy trường”), cho nên hàng xóm, láng giềng thế nào thì cũng là đồng “cha mẹ học sinh” cả!
Trẻ con học chung, chơi chung thế nào cũng nảy sinh “mâu” với “thuẫn”, đánh nhau; chán chết!

Đọc thêm »

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014



CHƠI CỜ TƯỚNG

Tối hôm trước, anh bạn láng giềng rảnh rỗi mời mình chơi cờ tướng giải trí. Chơi cờ tướng có thể lại sinh ra mất tình hàng xóm láng giềng, mình không thích lắm nhưng vị nể nên cũng nhận lời. Một lát sau, có vài anh bạn khác cũng mê cờ tướng nên tụ vào quan sát rồi hô hào, xuýt xoa. Người trong chơi thì tập trung tinh thần, người ngoài xem thì cứ rối lên.

Đọc thêm »