DMCA.com Protection Status
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn ngành Y. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn ngành Y. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014



     …………, ngày 02 tháng 9 năm 2014.

     Gấu con thân thương của mẹ!

     Bây giờ đã là 12 giờ đêm.

     Sau khi cấp cứu hầu như liên tục cho những bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn, ngộ độc bia rượu, tai biến mạch máu não… mẹ đã mệt nhoài! Khoa cấp cứu giờ đây cũng đang tương đối ổn định, mẹ tranh thủ nghỉ ngơi và viết thư này gửi về cho con, gấu con bé bỏng của mẹ vẫn chưa đến ngày mừng thôi nôi!

     Không biết gấu con đã ngủ được chưa, hay vẫn còn bám vào bố mà khóc đòi vòng tay của mẹ bồng ẵm, âu yếm; đòi nghe những lời hát ru êm ái; đòi bú giòng sữa ấm áp, ngọt ngào của mẹ… ?

     Con ơi! Mẹ rất sợ phải trực cấp cứu vào những ngày lễ tết, vì áp lực công việc mà mẹ phải làm cao hơn gấp ba, gấp bốn lần những ngày bình thường, nào là tai nạn giao thông, ngộ độc bia rượu, ngộ độc thức ăn… trong những ngày lễ tết.

     Hơn thế nữa, mẹ rất sợ phải trực cấp cứu vào những ngày lễ tết, vì nỗi đau trong lòng mẹ còn cao hơn áp lực công việc khi nhìn thấy mọi người sum họp gia đình để thăm nội thăm ngoại hoặc vui chơi giải trí, thì gia đình ta lại vắng mẹ, hoặc vắng bố; hiếm hoi lắm mới có được những ngày nghỉ mà cả bố lẫn mẹ cùng hiện diện bên con…

     Gấu con của mẹ! Mẹ đau lòng lắm!

     Đôi bầu sữa căng tức không làm mẹ đau cho bằng những lúc mẹ phải tranh thủ chạy vào toilet, vắt bỏ đi những dòng sữa quí giá lẽ ra con phải được hưởng mà bố luôn dành những món ăn ngon nhất, bổ dưỡng nhất cho mẹ, còn mẹ thì nâng niu, trân trọng để dành hết cho con... trong khi con đang khát giòng sữa mẹ…!

     Nỗi đau buồn vì phải xa con, xa bố ngày lễ nghỉ lại càng nặng nề khi mẹ phải tích cực cứu chữa bệnh nhân, chăm sóc họ tận tình, động viên họ, an ủi người thân của họ; nỗ lực dành lại sự sống cho bệnh nhân, lưng áo mẹ luôn ướt đẫm mồ hôi, hai mắt cay xè… mà lẽ ra mẹ phải chăm sóc, âu yếm, vỗ về, hát ru con ngủ, dành hết tình yêu thương con khi con khóc đòi mẹ…

     Mẹ không thể nào quên ánh mắt của con lúc mẹ vào ca trực! Đôi mắt trong veo nhưng đầy ngạc nhiên, đau đớn, đẫm nước mắt như muốn nói “Sao mẹ không ẵm con, mẹ không thương con ư?”. Thấy con vật vã trong tay bố mà cứ khóc đòi mẹ, mẹ thật đau lòng…

     Thôi gấu con của mẹ gắng ngủ nha, để bố nghỉ ngơi vì mai bố còn phải đi làm; ngày mai ra trực, mẹ sẽ về với gấu con thân thương của mẹ… !

     Có bệnh nhân cần cấp cứu, mẹ phải tiếp tục công việc đây!

     Mẹ của gấu con!

     (Sau cấp cứu)

     Tái bút:

     Bức thư này gửi gấu con, nhưng gấu con chưa thôi nôi thì làm sao đọc được! Thôi, mẹ sẽ gửi nó vào trong tim mẹ, ấp ủ theo năm tháng. Nếu có ai đó hiểu được lòng mẹ, hiểu được nỗi đau muôn mặt của những nữ điều dưỡng như mẹ, họ sẽ viết ra cho mọi người cùng đọc, cùng hiểu, trong đó có cả gấu con thân thương của mẹ… 


     dovaden2010

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012




     Nữa đêm. Tiếng ho sặc vì cố nén của mẹ làm con nhói lòng! Con bỏ dỡ dang bài ôn thi cuối khóa, chạy vào giúp mẹ chút nước. Mẹ khuya sớm tảo tần với gánh bún rong, chắt chiu nuôi con ăn học. 

Đọc thêm »

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012




     Nó đi như chạy, cố rảo nhanh từ phố này qua ngõ khác, từ nhà hàng sang trọng đến quán cóc ven đường. Nó phải kiếm cho đủ hai trăm ngàn đồng để trả tiền viện phí cho bạn nó…
Hai chú bé nhà quê côi cút, ra thành thị mưu sinh, cùng cảnh ngộ nên coi nhau như ruột thịt, dù chẳng đồng hương, “đồng khói”!

     “Đã nghèo còn gặp cái eo”! Bạn nó, cố chạy theo tên ngồi hon-da mua vé số “đểu”, vừa bị mất toi năm chục tờ vé số, vừa bị té gãy tay, phải đi cấp cứu!

     Đến bệnh viện lại trúng ngay ngày “xui”, nạn nhân không biết ở đâu ra mà nằm la liệt, người thân chen chúc; “bà” bác sỹ cấp cứu cứ “nhăn như khỉ ăn ớt”, cười không nổi! Thiệt tình, đúng là “đã bị cái eo thì cho tong teo” luôn!
     …

     - Tiền nhập viện là hai trăm ngàn, tụi nhóc bay có tiền không? Không có là bị xuất viện luôn bây giờ đó nha!

     - Dạ… dạ… để con ráng gom tiền, bác sỹ làm ơn cho bạn con nhập viện!
     …

     “Trời đất! Mới bó bột thì làm sao về luôn cho được!” - Nó lo bán vé số mà vẫn không thể quên cái “bà” bác sỹ khó ưa!

     Đến chiều, nó mới chỉ gom được hơn trăm ngàn… “Thôi thì ráng năn nỉ bác sỹ chứ biết làm sao!” - Nó chặc lưỡi, lắc đầu…

     Nó ngập ngừng bước vào. Phòng cấp cứu lúc này chỉ còn vài ba bệnh nhân đang được theo dõi, thật yên tĩnh!

     - Thưa cô, bạn con bị gãy tay hồi sáng…

     - À! Bạn con nhập viện rồi mà! - Cô điều dưỡng cười.

     - Dạ! Nhưng mà con… dạ! Tiền nhập viện… con gom chưa đủ! - Nó gãi đầu, e dè.

     Cô điều dưỡng ngạc nhiên, rồi phì cười:

     - Con chưa biết gì ha? - Nó ngẩn ra, ngạc nhiên nhìn cô điều dưỡng.

     - Cứ an tâm đi cậu nhóc! Tiền nhập viện của bạn con, chị bác sỹ cấp cứu hồi sáng đóng hết rồi, “chỉ” còn dặn cô nhắn lại với con là tụi con khỏi phải trả lại tiền, “chỉ” giúp luôn đó!...

     Nó đứng như trời trồng, nhớ lại cái “bà” bác sỹ khó ưa kia mà nước mắt lưng tròng…


     dovaden2010

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012



     Ngày cuối năm. Khoa phòng thật vắng. Những bệnh nhân không nặng lắm đều xin được xuất viện, về nhà đón giao thừa. Chỉ còn vài ba người nội trú. Ca trực vì thế cũng nhẹ nhàng thôi! Nhưng anh cũng nghe buồn lắm! Vì mất đi cơ hội cùng người vợ yêu và cu tí đón giao thừa.  Lúc chuẩn bị vào ca, anh đã thấy nó phụng phịu, rơm rớm nước mắt, thật thương!

     Sau khi dạo một vòng kiểm tra bệnh nhân, mọi sự đều ổn, anh tự pha một ly cà phê đặc, nhâm nhi, dù anh vẫn tỉnh như sáo, chỉ là để có cái mà suy tư, hồi tưởng, như mọi người hay gọi là “tổng kết cuối năm” cho riêng mình. Anh có một người vợ xinh xắn, đảm đang, có một thằng cu mẫu giáo tinh nghịch nhưng dễ bảo, có công việc phù hợp chuyên môn, kinh tế ổn định, cứ thế vươn lên! Anh mĩm cười hài lòng, tự hứa đúng giao thừa điện về chúc mừng cu tý cho nó đỡ buồn!

     Bỗng có tiếng rên rĩ thật nhỏ đâu đây, anh ngỡ mình nghe nhầm, nhưng về sau tiếng rên to dần, anh bỏ ly cà phê chưa hết một nửa xuống bàn, chạy vội về phía tiếng rên. Đó là một thanh niên, dáng vẻ trí thức và lịch lãm, không hiểu sao lại tự tử bằng thuốc rầy, may người nhà kịp đưa vào cấp cứu hôm qua, đang nằm điều trị hồi phục, khuôn mặt nhăn nhó và hình như có cả nước mắt, đang co người lại rên rĩ.

     - Anh đau thế nào?

     - Tôi đau quá, sao không để tôi chết luôn cho rồi!
     ……

     - Cứu sống tôi làm gì cho tôi càng thêm đau khổ!

     Anh định đưa tay đếm mạch bệnh nhân, không ngờ “hắn” hét toáng lên:

     - Đừng đụng vào tôi, kẻo lây bệnh bây giờ (?)!

     Anh thấy khó chịu nhưng vẫn ôn tồn:

     - Anh có đau bụng không?

     - Không (?)!

     - Vậy anh đau chổ nào thì cứ nói!

     - Tôi đau ở trong tim (?)!

     Anh định bật cười, nhưng vẻ đau khổ thành thật của người thanh niên làm anh kìm lại - “Sự thường của người không muốn sống! Nhưng tại sao anh ta lại muốn chết?” - Anh không đành lòng bỏ đi, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh giường bệnh nhân, từ tốn thăm hỏi.

     Thì ra, giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra là anh ta, bổng phát hiện mình bị nhiễm HIV trong một lần thử máu, vợ con chì chiết, chán đời, sợ người, hối hận vì phá vỡ hạnh phúc gia đình, anh ta định đi tìm cái chết.

     Anh ân cần khuyên can, giảng giải, tư vấn cho người, quên cả giờ điện thoại cho con.


     dovaden2010

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012




     Thấy hắn học hành cũng ra dáng, ông già là dân kinh doanh có máu mặt cứ đinh ninh thằng con sẽ vào ngành Kinh tế tiếp nối truyền thống cha ông nên đầu tư tới bến.

     Nào ngờ, hắn lại dứt khoát học ngành Y!

     Ông giận tái mặt, tím từ trong ruột tím ra. Sau nhiều lần hiệp thương không thành, để giữ chân hắn, ông đánh cú dứt điểm:

     - Mày bước chân ra khỏi cái nhà này là tao cấm cửa! Mày cứ thế mà tự lo, tự học! Tao cắt hết! Để rồi xem, rời bố mẹ ra thì chỉ có đói và rách thôi, con ạ! Tao không có thằng con bất hiếu như mày!

     - Như vậy là bố từ con???

     - …
     …

     Trải qua bao nhọc nhằn, vất vả, mất dáng vẻ công tử ngày nào, hắn tốt nghiệp ra trường trong bộ dạng gầy gò, hốc hác nhưng đầy phấn khởi với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi! Từ bỏ mọi lời mời chào hấp dẫn, hắn xin về làm việc tại bệnh viện vùng sâu, vùng xa của một huyện nghèo miền núi. Hắn muốn đi thật xa, tận lực làm việc để giúp bệnh nhân quên đi nỗi đau bệnh tật.

     Còn nỗi đau của hắn?

     Hàng đêm, một mình một bóng trong phòng riêng khu tập thể bệnh viện, hắn vẫn mỏi mắt trông về phương xa vời vợi, thở dài…

     Hắn thương và nhớ ông già! Thương nhớ đau đớn, xót xa!

     Từ lúc bỏ nhà ra đi, hắn chưa một lần nói chuyện với ông già, dù chỉ là nửa câu…

     Tiếp xúc và cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, hắn nhận ra rằng cha mẹ nào cũng thương con, chăm lo cho con cái hết dạ, hết lòng. Nỗi giận ngày xưa đã dần phai theo năm tháng, thậm chí hắn còn thầm cảm ơn ông già đã tạo điều kiện cho hắn rèn luyện ý chí, nghị lực, biết tự lập, vượt qua gian khổ để đạt được thành công…

     Hắn thương và nhớ ông già! Thương nhớ đau đớn, xót xa!

     Hắn nhớ nhà quay quắt! Hắn muốn về nhà…
     …

     - Bố… ! - Mắt hắn trợn trừng, kinh ngạc.

     - Con… khỏe… không…?

     - …

     - Bố đến thăm con đây!


    
 dovaden2010

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012



     Chọn chuyên khoa Nhi để học, đơn giản chỉ vì tôi thích trẻ con. Những đứa trẻ bụ bẩm, đôi mắt trong veo, tinh nghịch cười đùa dễ làm ta vui thích và hạnh phúc hơn. Còn người lớn thì…….! Thế là miệt mài học, vừa tự khen mình sáng suốt, vừa lên mặt với mấy đứa bạn đồng môn.

      “- Hãy đợi đấy!”.

     Mà sự đời thì thường “Cười người hôm trước hôm sau người cười”, đến khi đi thực tập thì đúng là cười ra nước mắt! Nhìn “chúng nó” hớn hở ra về sớm vì đã làm “xong cái vèo” bệnh án thực tế, còn mình loay hoay mãi với những điều vặt vảnh, kể lể dài dòng của các bà mẹ về bệnh của con họ mà lòng “đau như cắt”. Còn bệnh nhi thì sao? Ôi thôi cứ loạn cả lên! Đứa thì khóc hơn “ cha chết”, đứa thì nép sát vào mẹ mà giảy nảy, nặng hơn nữa, có đứa mới nhìn thấy “bác sĩ” đã thét lên làm tôi muốn đứng tim luôn. “- Ngộ phải páo chù!”- tôi lẩm bẩm.

     Thật là “thiên nan vạn nan”! Ngán ngẫm thay cho thân tôi! Càng lúc tôi càng thấm hết sự khó khăn đến không tưởng nổi!  Hỏi bệnh đã khó vì bệnh nhân “hổng” tự khai được, nhiều bà mẹ lại không thể theo dõi con thường xuyên nên không rõ chứng trạng mà khai; khám bệnh lại càng khó hơn vì “bệnh nhân nhí” nào cũng “hổng thèm” khám bệnh (?), gặp “bác sĩ” như gặp “cọp”!

     “- Hãy đợi đấy!”.

     Đành phải “tầm sư” để “cạo đầu”- ý quên- “cầu đạo”, có nghĩa là “học đạo”. Bám riết theo các “sư phụ” Khoa Nhi học cho được “tuyệt chiêu” để trả thù “chúng nó”! Lắm khi gian nan, mướt mồ hôi mà chẳng “nên cơm cháo gì”, tôi nãn lòng tưởng chừng “đổi hệ”!

     “- Hãy đợi đấy!”.

     Cái sự “tưởng chừng…” kia không ngờ đã kéo dài biết bao lâu rồi không rõ. Hiện tại tôi vẫn đang còn là một bác sĩ chuyên khoa nhi với bao niềm vui, nỗi buồn nghề nghiệp!

     Chỉ có điều, tôi không còn thích trẻ con nữa, mà tôi…  yêu chúng, hết lòng vì chúng, trong đó có các con của tôi!


     dovaden2010

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012



     Cô nằm đó, bất động. Cơ thể tàn tạ, khẳng khiu. Còn đâu sắc dáng hoa khôi nổi tiếng một thời! Giai đoạn cuối của S! Không thể giấu diếm được ai nữa , chỉ còn con đường tự tử. Cô cười cay độc : “Nhưng ta trả thù đời cũng khá đủ rồi!”. Cô có tội tình gì mà thằng bồ khốn nạn lại lây nhiễm cho cô? Còn cô, như  Tử Thần cuồng loạn, gieo rắc cái chết cho khá nhiều người!

     Cô luôn cáu kỉnh, dể kích động, và thầm ghen tị với người nữ điều dưỡng duyên dáng, vẫn ân cần chăm sóc cô mỗi ngày, vẫn nhẹ nhàng khuyên cô nên sống có ích. Cô cay đắng thầm nghĩ : “Mụ đó có bị nhiễm như mình đâu mà biết! Ta không cần thương hại!”.

     Nhưng cho dù cô có cáu kỉnh, khó chịu đến đâu, “Mụ” điều dưỡng cũng vẫn ân cần, chu đáo, nhỏ nhẹ. Đến một hôm, nỗi cay đắng tràn ra thành lời, xối xả tuôn vào mặt “Mụ” điều dưỡng. “Mụ” điều dưỡng nhìn cô, cười buồn:

     - Một bệnh nhân S, vì muốn trả thù đời, đã cố tình làm tôi bị nhiễm bằng 1 mũi kim tiêm. Ta cùng chung cảnh ngộ, cô à!

     Cô tròn mắt, sững sờ!

     Từ đó ...


     dovaden2010

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012



     Năm nay, mình được phân công trực ngay giao thừa. Cả nhà không vui, vì năm nào nhà cũng cúng giao thừa, đoàn tụ, hái lộc ngoài vườn, chúc xuân lẫn nhau. Mình cũng buồn, nhưng nghề Y là thế !

     Đêm giao thừa vắng lặng, không bệnh nhân cấp cứu. Giờ này, cả nhà có lẽ đang chuẩn bị bàn thờ, đèn nhang, bánh trái. Không biết cu tí có nhắc đến mình không ! Nếu có, có lẽ cả nhà lại kém vui ! Thôi thì hẹn sáng Mồng Một, cu Tí nhé !

     Mình cũng chuẩn bị đón giao thừa thôi ! Nhưng ...

     Cửa phòng bật mở. Một ca tai nạn giao thông. Nạn nhân là một thanh niên gầy gò, đen sạm, khuôn mặt đầy máu, bất động. Bộ quần áo bảo hộ lao động rách mướp cũng bê bết máu.
Quên cả giao thừa, mình lao đến nạn nhân. Toàn kíp trực hối hả. Mất tri giác, mạch yếu dần, nếu không kịp thời cấp cứu nạn nhân sẽ hôn mê.

     Một giờ... Hai giờ... Ba giờ!

     Ai nấy mồ hôi ướt đẫm. Nhưng nạn nhân đã ổn định. Mình thở phào, ra khỏi phòng cấp cứu. Gây tai nạn là một nhóm thanh niên sang trọng chơi khuya, đang vây quanh trước cửa chờ đợi.

     - Ai là thân nhân của nạn nhân?

     Từ góc xa, một cô gái, không, một thiếu phụ thì đúng hơn, vì sự lao động vất vả đã làm cô già trước tuổi, đang ôm con nhỏ, mắt trợn tròn, môi mấp máy không thành lời, đăm đắm nhìn mình như mõi mòn, chết lặng - "... Dạ! Là tôi...???".

     - Anh ấy đã ổn ! - Cô gái ôm con khóc ngất.

     - Các anh chị  này phải lo cho họ đấy nhé ! – Nhóm thanh niên thở ra, gật đầu.

     Thì ra, nạn nhân cố gắng làm xong việc, nhận tiền công, vội vã về với vợ và con thơ để kịp đón giao thừa cùng gia đình, nhưng không ngờ....  Nhóm thanh niên uống rượu say, chạy bạt mạng, lạng lách tông vào, xe đạp gãy, nạn nhân té xuống đường. Cũng may họ còn biết trách nhiệm, đem nạn nhân đi cấp cứu kịp thời, và tìm cách báo cho vợ nạn nhân, nếu không thì...

     Đã qua giao thừa từ lâu, nhưng mình thấy vui lạ, khi làm tròn trách nhiệm ca trực, đoàn tụ gia đình!

     Song mình vẫn bồi hồi, vì đang có một gia đình phải đón một năm mới không may....!


     dovaden2010

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011



     Nói tới “Chuyên gia” thì không còn gì để nói nữa! Một – lắc đầu chào thua, hai – gật đầu công nhận! Nhưng khi nghe nói rằng cô ta là “Chuyên gia cấp cứu” thì tôi  hơi phân vân, “- Có đúng vậy không hả ta?” – Ta hỏi “Ta” thì “Ta” hỏi ai? Đành “khăn gói quả mướp” lên đường, thề “ngâm cứu” cho ra lẽ, chưa ra lẽ thì chưa trở về, quyết “da ngựa bọc thây” nơi… “Phòng Cấp Cứu”!

     “- Cánh phóng viên, nhà báo đi tới đâu là “rầu” tới đó!” -  Nghe đàn anh truyền thụ kinh nghiệm “xương máu”, nên tôi bỏ hết “vũ khí” lỉnh kỉnh vào rương, giả dạng “Mèo con đi học chẳng mang thứ  gì”, đương nhiên là phải có mang theo cây bút bi và vài tờ giấy để còn ghi chép những điều “mắt thấy tai nghe”, kẻo quên thì chết! Nhưng “ém” hết trong túi quần, không lo “nàng chuyên gia” “phát hiện”!

     Ngày đầu tiên, hổng biết gì hết, đứng láo ngáo trước cửa phòng cấp cứu, Thấy quá trời ca nhập viện, đang suy tư vì lẽ gì mà tai nạn giao thông nhiều thế? “Nàng” mở cửa, đẩy giường cấp cứu, nhìn thấy tôi đang lóng ngóng bên xe chuyển viện, giọng oanh vàng khẩn khoản: “- Nhờ anh chuyển người thân lên giường giúp em nghen!” Tim tôi như hụt nhịp vì……. nhưng không thể hụt tay để bị nàng chê “dzỏm”, tôi thành “người nhà” bất đắc dĩ của bệnh nhân té gãy xương chân(!).

     Nhưng cũng nhờ thế mà tôi “xâm nhập” được vào phòng cấp cứu để thấy “nàng” chuẩn xác như “máy” khi báo bệnh, xin y lệnh, tìm sinh hiệu, cố định xương gãy, cầm máu, băng vết thương, bóp bóng, xoa bóp tim, tiêm thuốc, lấy máu xét nghiệm, đo điện tim, đẩy bệnh nhân đi xét nghiệm, hỏi thăm bệnh…… và còn kịp thời gian làm bệnh án cấp cứu, vào sổ theo dõi……  thậm chí vẫn còn kịp thời gian hỏi han và động viên thân nhân người bị nạn! Mà không chỉ một người bị nạn…….!!!

     Chỉ một ngày thôi mà riêng tôi còn muốn “thở bằng tai” khi dõi theo nàng…! “Phóng lao thì phải theo lao”, tôi cố gắng “cầm cự” đúng ba ngày trong hình ảnh “người thân bất đắc dĩ”, nhưng có lẽ nàng đã khám phá ra rằng tôi chẳng phải là người thân của ai, nên ánh mắt hình như có nhiều dấu hỏi….?

     … Nàng đã được lên báo khen ngợi. Bài viết được ký với bút danh của tôi. Có lẽ nàng đã quên tôi! Tôi lại không thể quên nàng… không thể quên nét dịu dàng, đằm thắm, cảm thông trong từng cử chỉ, lời nói nhưng đầy quyết đoán, mau lẹ khi tiếp xúc với bệnh nhân và thân nhân. Tôi phải gật đầu để công nhận nàng là chuyên gia, nhưng tôi lại lắc đầu vì ngoài nàng ra tôi không còn… hụt tim vì ai khác được nữa!

     Tôi lại tìm đến phòng cấp cứu!


     dovaden2010

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011



     Sau cơn hoảng loạn vì má tôi bị tai biến, gia đình tôi đã bình tâm trở lại. Má tôi đã dần hồi phục và được đưa vào Khoa Nội bệnh viện để được theo dõi và tiếp tục điều trị. Các anh chị phải đi làm, còn tôi là con gái út, nên được phân công lãnh phần cơm nước và chăm sóc cho má.

     - Các anh chị khôn quá hén!

     - Tụi tao đi làm cả ngày, giờ đâu mà đi chợ nấu cơm cho má?

     - Nhưng em đang học 12, lại chuẩn bị luyện thi nữa, nặng lắm chứ bộ!

     - Thì mày mang bài vở vào bệnh viện học luôn, càng tiện chứ sao!

     - Ứ… ứ…!

     - Ráng đi, rồi tụi tao bồi dưỡng đặc biệt cho!

     Nhưng rồi tôi cũng phải chăm sóc cho má, vì biết các anh chị đều bận rộn và ai cũng cưng tôi nhất nhà, đặc biệt là má tôi. Má tôi đã tỉnh táo, nhưng tay chân còn yếu lắm, chưa tự ăn uống được. Các anh chị cũng thay phiên nhau chăm sóc cho má, nhưng tôi vẫn là nhân vật chính, lo lắng hàng ngày. Trong số những điều dưỡng viên trực phòng má tôi, có một chị được má tôi rất mến. Nghe má tôi hay khen ngợi, tôi tò mò muốn được gặp chị một lần xem sao!
………

     - Thầy ơi! Tạm ngưng mai học tiếp nghen thầy!

     - Năm cuối rồi, các em ráng cố gắng chút nữa đi, kẻo không kịp chương trình đấy!

     Cả lớp lại chăm chú làm bài luyện thi, còn tôi, cứ nhấp nha nhấp nhổm vì đã không còn kịp nấu cơm cho má. Tan học, tôi phóng như bay vào bệnh viện, định bụng hỏi má muốn ăn gì thì mua luôn cho má ăn tạm.

     Không ngờ, má tôi đang được một chị điều dưỡng bón cơm! 

     - Chào em! Hôm nay em phải học thêm nhiều bài nên trễ giờ phải không?

     Tôi đỏ mặt, gật đầu, lúng túng như bị bắt quả tang phạm lỗi.

     - Bác nhờ chị mua cơm dùm khi thấy trễ, đoán là em bận học, thấy em chưa đến nên chị giúp bác ăn cơm luôn. Thôi nhường lại cho em nè! Con chào bác, bác ráng ăn cho mau khỏe!

     Dọn dẹp xong, tôi rụt rè đến phòng trực. Chị đang ngồi say sưa với một chồng hồ sơ, sổ sách. Dáng nghiêng nghiêng hiền hậu, khuôn mặt trái xoan dễ mến. Nhớ mắt chị nhìn tôi hồi nảy, in như ánh mắt của má tôi, tôi mạnh dạn bước vào. Thoáng thấy tôi, chị buông cây viết xuống, hỏi ngay:

     - Má em có gì không? 

     - Dạ không! Em chỉ muốn…

     - Vậy em ngồi xuống ghế đi!

     - Dạ!

     - Nào bây giờ có gì em cứ nói đi, đừng ngại!

     - Em chỉ muốn cám ơn chị đã giúp má em thay em…

     - Không có gì đâu, bình thường chị vẫn vậy thôi, không riêng gì má em.

     - Má em thường khen chị hoài!

     Chị mĩm cười, hé lộ hàm răng trắng thật đều, nhưng tôi vẫn nhận thấy một thoáng buồn trong mắt chị.

     - Mẹ chị mất trong khi chị mãi mê với nghề kế toán, không chăm sóc mẹ chu đáo, tuy mẹ không trách, nhưng chị cảm thấy mình có lỗi. Nên sau đó chị đổi sang nghề này, chăm sóc những người bệnh tật, neo đơn, tạm coi như chăm sóc cho mẹ khi xưa, thế thôi em à!...
......

     - Má ơi! Con đã chọn được một nghề cho tương lai rồi!

     - Cha bay! Má biết con muốn dễ thương như cô ấy phải không?

     - Con nói thật mà! Má ghẹo con hoài!


     dovaden2010

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011



     Anh ra trường với tấm bằng tốt nghiệp chỉ được xếp vào loại bình thường “Đạt yêu cầu”. Được phân công tác về đây, anh luôn cảm thấy mình còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế trong khi khám, chữa bệnh hoặc khi hội chẩn cùng đồng nghiệp. Anh rất ngại ngùng khi muốn trao đổi với mọi người. Anh chỉ tiếp xúc với các đồng nghiệp khi có công tác chung hay do công việc cần thiết; cũng chỉ vì anh sợ họ cười chê anh còn dở!

     Các bệnh nhân thường chỉ đến với anh một, hai lần đầu rồi sau đó như biến mất, cho dù anh đã dặn dò hẹn tái khám. Anh vô cùng nản chí. Nhiều lúc anh muốn bỏ nghề, nhưng nhớ lại lời dặn dò của mẹ anh trước khi nhắm mắt lìa đời vì căn bệnh ung thư, anh nghe tim mình như nghẹn lại...

     Một hôm, cũng trong ca trực khám bệnh, đang lặng lẽ suy tư vì chưa có bệnh nhân nào vào khám, anh chợt nghe loáng thoáng giọng nói của một bà cụ:

     “Hôm nay bác sỹ nào khám bệnh vậy cô ?”

     “Thưa bác ! Ca trực hôm nay là của... ” - tiếng cô điều dưỡng.

     “À ! Tên của ổng trên bảng đây mà! Ổng có tấm lòng tốt lắm, rất tận tình với bệnh nhân, ân cần thăm hỏi bệnh đến nơi đến chốn, lại còn xin người bệnh góp ý thêm cho ổng nữa! Tui ráng tìm đến ổng xin khám lại đây!”.

     Thì ra đó là bà cụ đã làm anh mất mấy đêm thức trắng tra cứu tài liệu, khiêm tốn tham khảo học hỏi đồng nghiệp, quyết lòng chữa giúp bà khỏi một căn bệnh mãn tính, mãi đến hôm nay mới quay trở lại...

     Thời gian qua mau. Anh đã quên hẳn bà cụ.
     ...

     Đang viết toa thuốc cho bệnh nhân cuối cùng, anh chợt nghe loáng thoáng giọng nói của một bà cụ:

     “Hôm nay bác sỹ nào khám bệnh vậy cô ?”

     “Thưa bác! Ca trực hôm nay là của... ” - tiếng cô điều dưỡng.

     “May quá! Tên của ổng trên bảng đây mà! Ổng có tấm lòng tốt lắm, rất tận tình với bệnh nhân, ân cần thăm hỏi bệnh đến nơi đến chốn, lại còn xin người bệnh góp ý thêm cho ổng nữa! Ổng chữa bệnh hay lắm!”

     “Bác đến trễ quá! Chỉ sáng nay thôi, bác sỹ đã khám cho hơn 40 bệnh nhân, bây giờ đã gần 12 giờ rồi!”

     “Tự tui ở xa quá, hoàn cảnh lại khó khăn! Bị kẹt xe, mãi đến giờ mới tới, hổng sao đâu, tui chờ được!”

     “Nhưng mà... ”

     Anh giật mình. Mãi mê với bệnh nhân làm anh quên mất thời gian.

     Anh mở cửa chận lời cô điều dưỡng: “Cô cứ để bà cụ vào đi !”. Thì ra đó là bà cụ mà anh đã chữa giúp bà một căn bệnh mãn tính, mãi đến hôm nay mới quay trở lại.

     - Thưa bác! Bác cần khám gì ạ?

     - Dạ... tui hổng khám gì cả (!). Có chút cây nhà lá vườn biếu bác sỹ để cảm ơn đã chữa hết căn bệnh lâu năm của tui thôi.

     Anh xúc động, mắt bỗng rưng rưng... !


     dovaden2010

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011



     Với trách nhiệm là một Điều dưỡng trưởng, tôi kiêm luôn công tác quản lý việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại tại nguồn trong khoa. Đây đang là vấn đề được quan tâm và kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế và của bệnh viện.

     Thế là tôi phải miệt mài làm các bản hướng dẫn, tìm nơi đặt các thùng đựng rác ở vị trí thích hợp cho khoa, phòng và cho cả bệnh nhân, thuận tiện cho cả các chị hộ lý cùng bộ phận thu gom, xử lý, tiệt trùng và tiêu hủy.

     Tôi phải thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở mọi người thực hiện đúng theo quy định đã hướng dẫn. Thế nhưng, đối tượng thường làm sai nhiều nhất lại chính là bệnh nhân và thân nhân của họ. Do vô tâm và cả thiếu hiểu biết, họ thường thực hiện không đúng quy định, tuy các bản hướng dẫn nằm ngay trong tầm mắt nhưng họ chẳng thèm để ý đến.

     Một hôm nọ, chuẩn bị đi nhận y cụ, thuốc men cho khoa, tôi gặp một bà mẹ đang vỗ về con mình. Cậu bé chỉ khoảng 4 hoặc 5 tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt đen tròn, ánh lên vẻ thông minh, lanh lợi. Cậu đang nhăn nhó vì đau. Bà mẹ cầm cục bông gòn sát trùng, xoa xoa lên tay cậu bé an ủi:

     - Ráng chịu đau chút xíu nghen con! Ai bảo ham leo trèo té trầy chân nên giờ phải chích ngừa thôi con ạ!

     - Hứ... hư... h...ừ... !

     Cậu bé nhăn nhó, có lẽ đang đau lắm nhưng ráng chấp nhận.

     - Bác sỹ dặn nếu thử bình thường thì 15 phút sau sẽ chích ngừa cho con, con ráng lên nha!

     Nói xong, bà mẹ vất cục bông gòn xuống nền hành lang. Tôi đang định tiến tới nhắc nhở thì bỗng nghe tiếng cậu bé:

     - Mẹ ơi! Phải bỏ bông gòn vào thùng rác đấy!

     - À!...ừ!

     - Mấy hôm trước, cô giáo dạy chúng con phải biết bỏ rác vào thùng, không vứt bừa bãi mới là bé ngoan!

     - À!

     - Cô còn dặn là trong bệnh viện, có thùng rác riêng cho từng loại nữa cơ, nhưng con không biết bông gòn thì phải bỏ vào thùng rác nào! Mẹ có biết không mẹ?  

     - May quá! Có cô điều dưỡng kia rồi!

     - Bác ơi! Bông gòn này có thể gây lây nhiễm, bác nên bỏ nó vào loại thùng này đấy ạ!

     Tôi chỉ thùng rác màu vàng gần đấy. Trong khi bà mẹ đi bỏ rác vào thùng, tôi xoa đầu cậu bé khen:

     - Con ngoan lắm, rất đáng khen!

     Khi đi xa rồi, tôi vẫn còn nghe tiếng cậu bé khoe:

     - Mẹ ơi, cô ấy khen con ngoan đấy, mẹ ạ!

     - Ừ, Con của mẹ ngoan lắm!

     dovaden2010

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011


      Từ thưở nhỏ, không hiểu sao tôi rất mê màu trắng. Áo trắng học trò của tôi, lỡ có đứa bạn nào nghịch ngợm làm dơ tí xíu là tôi giận dỗi, không thèm nhìn mặt suốt mấy ngày liền. Còn những thằng em của tôi thì khỏi nói, tôi cấm không được đụng tới bất cứ cái áo trắng nào của tôi. Lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài nữ sinh màu trắng, tôi sung sướng vô cùng, ngắm nghía mãi. Má tôi phát bực la rầy: “Con nhỏ này, bộ muốn cái gương nó mòn mất hay sao vậy?”, rồi bật cười vang làm tôi đỏ cả mặt. Nhưng chứng nào tật nấy mà, tôi vẫn không giảm bớt được!

      Cũng vì thế mà khi tốt nghiệp phổ thông, mặc ai ý kiến này nọ, tôi dứt khoát thi vào ngành điều dưỡng, vì thấy mấy cô mặc áo trắng thiệt là dễ thương! Má tôi nói: “Coi chừng nghen con! Coi chừng bạc trắng như vôi nghen con! Hổng phải cứ trắng mà mê đâu, con à!”. Tôi hiểu ý má tôi muốn nói về tình đời, tình người đấy thôi!

      Biết tôi chọn nghề điều dưỡng, tuy má tôi không nói ra nhưng trong bụng cũng ưng lắm! Má tôi chỉ khuyên: “Nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn, nghề nào cũng có sướng, có khổ; riêng con chọn nghề điều dưỡng cần phải có tấm lòng cảm thông, sẵn sàng chia sẻ cái đau, cái khổ của người khác mới nên, con à!”. Mỗi khi khuyên nhủ con cái, má tôi thường chấm dứt lời khuyên bằng điệp khúc “..., con à!” quen thuộc.

     Lúc ấy tôi còn ngây thơ và đầy mơ mộng, làm sao tôi có thể hiểu thấu hết ý nghĩa lời khuyên thật sâu xa của má tôi! Rồi từng ngày, từng ngày qua đi trong nghề điều dưỡng, nỗ lực học tập và công tác, tôi mới càng lúc càng thấm thía hơn những lời má tôi từng khuyên tôi lúc trước.

     Tôi mê màu trắng, tôi yêu chiếc áo trắng điều dưỡng. Và tôi biết rằng, trong chiếc áo trắng ấy không thể có màu bạc trắng của vôi, mà phải là màu đỏ son sắt của một tấm lòng người thày thuốc luôn biết sẵn sàng chia sẻ, cảm thông...

     Tưởng chừng như tôi vẫn còn đang nghe văng vẳng đâu đây câu điệp khúc “..., con à!” quen thuộc của má tôi ngày nào...

     dovaden2010

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

    

     Do yêu cầu công tác, chị được quy hoạch đào tạo nâng cấp chuyên môn. Niềm vui to lớn không làm vơi đi bao lo toan của điều kiện gia đình.

     Và anh ấy! Vâng, anh ấy! Chồng của chị.

     Tuy khác ngành nghề, anh cũng đang là công nhân viên chức trong một cơ quan Nhà nước, thời gian làm việc và trực cơ quan không khác chị bao nhiêu.

     Và còn cái Thủy nữa chứ! Cô bé đang trong lứa tuổi mẫu giáo, phải đưa rước hàng ngày, luôn bi bô những điều mới lạ trong trường, đến là thương!

     Rồi còn chi phí các thứ cho việc ăn học ở thành phố, nghĩ đến mà thắt dạ!

     Đã khuya! Bên cạnh, anh có lẽ đang ngủ say sau một ngày công tác miệt mài, nghe êm lắm! Còn chị, cứ trăn trở mãi, nhưng không dám cử động mạnh, sợ làm anh giật mình thức giấc. Lòng chị mãi băn khoăn cho ngày mai, không cách gì ổn thỏa được!

     Bỗng nhiên, chị nghe bàn tay nóng ấm của anh đặt nhẹ trên vai:

     - Em lo lắm phải không?

     - Vâng! Em lo...

     - Em đừng lo quá mà ảnh hưởng sức khỏe! Anh sẽ chăm sóc con tốt. Nhà mình cũng đơn giản như các đồng nghiệp thôi, không cầu kỳ gì đâu mà phải lo, tiết kiệm hơn một chút, anh cực hơn một chút thôi mà! Hôm nào phải trực, anh sẽ nhờ bạn bè cùng cơ quan đón gửi con bên nhà ngoại. Em cứ an tâm! Còn chi phí thì có bao nhiêu mình dùng bấy nhiêu, nếu thiếu hụt thì ta vay mượn cơ quan, họ hàng, đồng nghiệp... rồi cũng qua thôi em! Cần nhất là em phải an tâm học hành đạt hiệu quả, đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ lỡ tăng tiến tay nghề! Biết đâu chừng tương lai sẽ không còn cơ hội em à!

     Rồi anh siết chặt tay chị như muốn truyền thêm tự tin và quyết tâm phấn đấu cho ngày mai!

     Hôm đưa tiễn lên đường, đôi mắt cái Thủy đỏ hoe:

     - Con sẽ nhớ mẹ lắm! Bố bảo rằng mẹ cũng rất nhớ con, nhưng nếu con nhớ mẹ thì con phải cố gắng được thiệt là nhiều phiếu “Bé ngoan” cơ, để thi đua học giỏi cùng mẹ, thì con sẽ được mẹ cưng nhiều thiệt là nhiều và tặng con nhiều quà nữa!  Phải không mẹ?

     Chị nhìn anh. Cả hai hình như mắt cũng đỏ hoe...

     (Mến tặng bạn tôi)

     dovaden2010

     Năm nay, chị được phân công trực ngày mồng 2 tết. Chị lên chương trình công việc cho ngày 30 và ngày mồng 1 dày kín, hầu như thời gian nghỉ ngơi không còn bao nhiêu.

     Ngày 30. Sáng tổng vệ sinh nhà cửa. Chiều mua sắm. Tối cúng giao thừa.

    Ngày mồng 1. Sáng chúc tết họ hàng bên nội. Chiều chúc tết họ hàng bên ngoại. Tối tranh thủ thăm hỏi láng giềng, bạn bè. Thấy chóng mặt!

     Lúc 10 giờ tối ngày 30, công việc đang bộn bề thì điện thoại reo vang.

     - Chị ơi, vào bệnh viện hỗ trợ gấp!

     - Hôm nay đâu phải ca mình trực thường trú?

     - Vâng ! Nhưng thiếu người nên chị phải vào hỗ trợ, chị ạ!

     Đành bỏ dỡ nhà cửa đang ngổn ngang, chị bực bội chạy vào bệnh viện.

    Một xe khách quá tải cuối năm bị tai nạn giao thông, có hơn 20 nạn nhân với đủ loại chấn thương. Phòng cấp cứu chật kín người. Tiếng rên rĩ của nạn nhân vang lên khắp nơi. Các đồng nghiệp của chị đang tất bật cấp cứu.

    Lòng chị nhói lên nỗi ân hận khi còn vướng một chút khó chịu do công việc riêng của mình bị dang dỡ.

    Chị vội vàng thay áo, cùng đồng nghiệp tập trung cấp cứu nạn nhân. Sau 2 giờ vã mồ hôi, mọi nạn nhân bị chấn thương nặng cần phải chuyển viện đã được giải quyết tạm ổn. Thêm 2 giờ nữa các nạn nhân còn lại cũng được giải quyết xong. Mọi người lúc bấy giờ mới thở phào tạm nghỉ.

     Ai cũng vui mừng vì đã kịp thời cấp cứu cho tất cả các nạn nhân!

     Và chị cũng hết lòng hòa cùng đồng nghiệp, quên đi công việc nhà đang vẫn còn bề bộn, ngổn ngang...


    dovaden2010

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

     “Ăn không ngon, ngủ không yên” thì chắc chắn là phải suy dinh dưỡng. Còn tôi thì sao? Chính vì “Dinh dưỡng” mà tôi suy... đủ thứ!

     Đầu tiên là... “suy dinh dưỡng” một trăm phần trăm không trật vì “mất ăn mất ngủ”! Số là, tôi, một bác sỹ khoa nhi “tiếng tai”... ý quên, “tiếng tăm” đang nổi như “cồn nổi trên sông Đồng Nai”. Đùng một cái ! Tôi được cấp trên phân công tác về một khoa mới toanh “chưa bóc tem” bao giờ, đó là Khoa Dinh dưỡng!

     Xa lìa Khoa Nhi “yêu dấu” đã làm tôi “rầu thúi ruột”, lại còn về Khoa Dinh dưỡng “lạ hoắc” chuyên môn, hổng biết làm gì và làm thế nào nữa!

     Tôi chỉ còn biết “khóc” với “ông xã” và với bạn bè! “Ông xã” còn ráng động viên, chứ mấy đứa bạn “chằn ăn trăn quấn” của tôi, tụi nó chọc quê tui “quá cỡ thợ mộc”! Nào là “Tốt quá sá rồi! Bà về Khoa Dinh dưỡng thì suốt ngày chỉ có “ăn và... ăn”, bà tha hồ “phát tướng”! “Phát tướng” rồi thì sẽ chuyển “hệ” sang “phát tài”, nhớ cho tụi này ké à nha... !”; nào là “Ê bà! Tui muốn “mi nhon” chút đỉnh lại cho “ông xã” tui bị “lé mắt”(!), bà ở Khoa Dinh dưỡng thì chịu khó làm “quân sư quạt mo” giúp tui chút đỉnh coi! Bà nỡ quên bạn bè sao... !”.

     Cứ thế, không biết bao nhiêu là “mật đắng” chảy vào lòng tôi giống như “giòng thác cuốn trôi” theo bao nhiêu là “niễm... nồi”...  ý quên, “nỗi niềm” (có lẽ vì “méo mó nghề nghiệp” nên mới ra “niễm... nồi”! ) làm tôi “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” hàng đêm.

     Nhưng dù sao, với tinh thần trách nhiệm muốn hoàn thành tốt bất kỳ công tác nào cấp trên giao, nên tôi cố gắng vì “Dinh dưỡng” mà... suy!

     Tôi luôn suy tư vì “Dinh dưỡng”! Tôi nghiên cứu lại tất cả những kiến thức đã học trong trường liên quan đến dinh dưỡng. Trước tiên là hệ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm; cách bảo quản và chế biến thức ăn; yêu cầu dinh dưỡng của các lứa tuổi, các loại vận động, các loại nghề nghiệp; cơ cấu của một bữa ăn thích hợp...

     Không ngờ rằng trước hết, tôi lại trở về Nhi khoa của tôi khi phải phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em! Sau đó lại “biến ra” chống béo phì cho trẻ; chưa kể tới cánh “phái đẹp” đang có phong trào chống béo phì như một đứa bạn đã chọc quê tôi hồi ấy. Tôi cũng phải “nhảy sang” đủ thứ chuyên ngành mà trước đây tôi bỏ qua như tâm thần kinh, nha khoa, dưỡng sinh, vận động thể dục thể thao, vân vân và... vân vân... hầu như đều liên quan đến dinh dưỡng, “cái sự” không thể thiếu của đời người.

     Các khóa đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng khiến tôi như choáng ngợp với biết bao là kiến thức liên quan, tổng hợp. Các hội nghị chuyên đề dinh dưỡng làm tôi say sưa, miệt mài nghiên cứu đề tài rất thời sự và nóng hổi là... dinh dưỡng... !

     Bây giờ, tôi vẫn cứ vì “dinh dưỡng” mà... “suy ” với niềm đam mê vô tận...


     dovaden2010

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011


     Chưa kịp quen thân trong giai đoạn Đại cương tổng quát, thì chúng tôi đã  “chia năm sẻ bảy” để theo học các chương trình chuyên khoa. Bạn bè cùng khóa cứ cười chê mãi “Cậu không biết chọn chuyên khoa nào à? Học đa khoa thì là   “ôm rơm nặng bụng” chứ có ích lợi gì đâu?”. Nhưng tôi cũng “lên mặt anh hùng” cho cái đám bạn “đồng song” kia “tơi bời hoa lá”, và cũng là phần nào nói lên “chí khí nam nhi” của mình. Vốn tôi có “tật xấu” là muốn biết đủ thứ! Người khác tôi không biết, nhưng riêng tôi, nói nhỏ nhỏ vừa đủ nghe thôi đấy nhé! - tôi nghĩ rằng đã “danh trạng” bác sỹ thì phải biết ít nhất “tám loại” trở lên, vì bác sỹ gần gần như là “bác học” chứ phải chơi đâu???

     Thế là tôi vẫn học, mặc cho đám bạn cứ chọc quê mãi! Nhưng cũng khổ thật! Thời gian đào tạo như nhau, “chúng nó” thì cứ chuyên khoa làm tới tới, còn tôi phải học đủ thứ khoa, nên coi như chuyên khoa nào tôi cũng biết mà lại không biết sâu bằng “liền chị liền anh”! Nhiều lúc “vò võ suốt năm canh” thầm than cho “thân trai... mười hai bến nước”!

     Rồi tôi cũng tốt nghiệp ra trường với tấm bằng bác sỹ đa khoa! Nhận công tác, tôi trở nên “đa hệ”, khoa nào cần là có tôi hỗ trợ, thay thế. Do yêu cầu công tác, tôi lại phải nghiên cứu, học hỏi tăng cường kiến thức, nâng cao khả năng chuyên môn để đáp ứng tốt nhiệm vụ “đa hệ”. Thế là tìm tòi tài liệu, sách vỡ từng chuyên khoa để tự học, có khi “ngày bỏ ngủ, đêm quên ăn”… (í lộn) “ngày quên ăn, đêm quên ngủ”đấy nhé!

     Đặc biệt là nhiệm vụ cấp cứu tổng hợp, quá ư “đa hệ” và cũng hợp với mong muốn “biết đủ thứ” của tôi làm tôi phấn khởi vô cùng! Khi một bệnh nhân đang trong giai đoạn “thập tử nhất sinh” mà giúp họ ổn định có được hy vọng sống, bằng tất cả nỗ lực, quyết tâm và công sức học tập, trau giồi kiến thức ngày qua ngày thì thật hạnh phúc biết dường nào!

     Và thế đó! Tôi vẫn chọn cho mình là bác sỹ đa khoa như ngày nào, gắn bó với nhiệm vụ và với mọi bệnh nhân!

     Và có lẽ, bây giờ tôi bỗng trở thành bác sỹ đa... chuyên khoa!

     Hay các bạn lại phản đối và bảo rằng “Ông là bác sỹ chuyên... đa khoa!”???


     dovaden2010 – 15/5/2011

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011



     Bố tôi là một cán bộ thuộc ngành Y hiện đã nghỉ hưu. Tôi là con trai lớn nhất trong nhà, theo nghề bác sỹ và đang công tác tại bệnh viện. Chẳng phải vì là con trai lớn thì phải nối nghiệp bố như đa số mọi người thường quan niệm, bởi bố tôi luôn chấp thuận cho chúng tôi tự do chọn lựa nghề nghiệp, theo khả năng và khuynh hướng của từng người.

     Từ thưở nhỏ, tôi đã từng chứng kiến nhiều nỗi đau khổ của bệnh nhân, đứng cạnh bố mà bồi hồi, xúc động khi nghe họ than thở, kể lể biết bao điều, khi bố tôi thăm hỏi bệnh trạng mà họ đang mắc phải.

     Tôi luôn hãnh diện và sung sướng khi được giúp việc này, việc nọ cho bố trong khi ông khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Lúc thì viết sổ sách, khi khác lại giúp bố tôi tra cứu tài liệu, hiểu biết nhiều hơn thì ông lại nhờ tôi giúp lấy thuốc cho bệnh nhân. Mỗi lần được gọi là tôi bỏ hết việc chơi đùa, mau mắn chạy lại,  sẵn sàng giúp bố, lòng hân hoan và hạnh phúc vì nghĩ rằng mình cũng đang giúp cho một bệnh nhân mau khỏe!

     Chẳng lời nào gọi là khuyên nhủ, dặn dò, giảng giải, chỉ cần ngày qua ngày nhìn thấy thái độ niềm nở tiếp đón, chu đáo, ân cần khi thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân của ông, tôi đã học được thế nào là tấm lòng của một người thầy thuốc. Có những hôm giật mình thức giấc giữa đêm khuya, tôi vừa xót xa lẫn kính phục khi nhìn thấy phòng làm việc của bố tôi vẫn còn sáng đèn, chắc chắn rằng ông đang say sưa nghiên cứu những tài liệu cần thiết cho kiến thức chuyên môn của mình đến quên ngủ, và hầu như là thường xuyên!

     Tất cả những điều ấy khắc sâu vào tim tôi, hình thành trong tôi nỗi ước mơ trở nên giống như bố tôi! Khi biết tôi chọn thi vào ngành Y, không nói gì, ông đã ôm tôi vào lòng thật chặt, mắt rưng rưng! Tôi hiểu ông đã xúc động biết bao khi có người con cùng ngành nghề, để cùng cảm thông và chia sẻ những nhọc nhằn cũng như hạnh phúc nghề nghiệp!

     Dù bây giờ đã nghỉ hưu, nhưng bố tôi vẫn không ngừng làm việc. Sợ sức khỏe bị ảnh hưởng không tốt, chúng tôi khuyên ông nên nghỉ ngơi vì tuổi đã cao thì ông bảo: “ Không làm việc thì bố buồn lắm con à! Người bệnh vẫn còn cần mình, mình không giúp họ, trong lòng áy náy không yên! Con cũng hiểu rằng, giúp bệnh nhân mau khỏe là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề Y! Lúc này bố vẫn đang sống khỏe, sống vui và sống có ích cho mọi người! Con đừng quá lo lắng cho bố! ”.

     Vậy đó, Bố tôi lúc nào cũng là mẫu gương sống động của tôi!


     dovaden2010

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

     

    Nó sung sướng nhảy ùm xuống hồ nước mát lạnh, vẫy vùng đùa nghịch như một con rái cá. Trên bãi cỏ ven bờ,  mẹ nó đang dọn bánh trái, thức ăn trên tấm nilon xanh màu mây trời. Đã lâu lắm rồi, nó thèm được đi chơi dã ngoại một lần với mẹ nó như hôm nay. Mẹ đang âu yếm nhìn nó mĩm cười…

    Bỗng một cơn bão ập đến. Gió xoáy mạnh, lôi nó ra xa. Nó chới với, hốt hoảng kêu lớn: “Mẹ ơi cứu con!”. Trước khi bị nước nhấn chìm, nó còn kịp nhìn thấy mẹ nó bị bão cuốn đi. Tiếng gọi “Mẹ ơi!” sặc tắt. Nước ùa vào mũi, vào miệng làm nó ngẹt thở. Nó lịm dần…

     Bất chợt một bàn tay rờ trên trán nó. Nó bừng tỉnh, mừng rỡ mở mắt, chụp lấy bàn tay:

     - Mẹ ơi...!

     - Tội nghiệp chú bé mồ côi! Bị sốt cao quá! Trong cơn mê sảng cứ gọi “Mẹ ơi!” mãi!

     Cô điều dưỡng lắc đầu, lòng thấy nao nao…


     dovaden2010