DMCA.com Protection Status

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Tuổi thơ tôi khi bố ở bên cạnh là cả một bầu trời nắng lung linh vàng bát ngát, là những chiều hè oi ả. Là cả bãi cát dài lấp lánh ven sông, là những cơn gió lộng, là những mùa đông giá rét có chiếc bánh mì ấm nóng…


Vũ trụ của trái tim tôi là một người rất đặc biệt, rất gần bởi nỗi nhớ và rất xa bởi khát khao. Nhà tôi cách sông Hồng không xa, ngày còn nhỏ vào những mùa mưa lũ, chiều chiều bố thường hay đưa tôi đi qua những con đường mòn đỏ bụi phù sa, đứng ngắm nước sông Hồng lên. Tôi là con út, khi sinh tôi ra bố đã khá lớn tuổi. Ở vào độ tuổi bên kia dốc của cuộc đời, người ta chẳng còn thiết tha gì những ganh đua đời thường. Người ta muốn xa lánh những tỵ hiềm, đố kỵ, bon chen.
Bố bắt đầu cuộc sống an nhàn, thảnh thơi của mình bên con cái, tận hưởng những điều giản dị gần gũi nhất của cuộc đời. Bố thích sưu tầm thơ và cũng hay viết thơ. Những vần thơ đượm một nỗi buồn nhân tình thế thái, những vần thơ khát khao bình yên.
Tuổi thơ, bố là người thường ru tôi vào giấc ngủ mỗi đêm. Tôi nằm úp trên ngực bố, hoặc có hôm ôm lấy cánh tay rắn rỏi, gác chân qua bụng to của bố và thiếp đi sau những câu chuyện thời cuộc chinh chiến, bom đạn, khói lửa một cách êm đềm. Càng lớn tôi càng hay được bố cho quấn quýt đi chơi cùng, đến nhà các bạn của bố bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, qua những còn đường mòn sỏi đá. Bố tự hào cô con gái nhỏ láu lỉnh, còn tôi háo hức mỗi lần bố gọi đi chơi.
Bố cõng tôi trên lưng đi mua những viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ, mua những chùm hồng bì trị ho, nâng niu chiều chuộng từng bữa ăn giấc ngủ non trẻ. Tuổi thơ tôi khi bố ở bên cạnh là cả một bầu trời nắng lung linh vàng bát ngát, là những chiều hè oi ả. Là cả bãi cát dài lấp lánh ven sông, là những cơn gió lộng, là những mùa đông giá rét có chiếc bánh mì ấm nóng, là những trưa bố đón đưa học về, là bình yên và yêu thương vô bờ, bất tận.
Tôi từng hạnh phúc như thế, cho đến một ngày… Bố bị ngã xe, gãy chân và phải bó bột. Xương vỡ và bố bị nhiễm trùng cộng với việc huyết áp cao từ trước khiến sức khỏe càng tệ hơn. Bố phải nằm một chỗ, mấy tháng liền mọi việc ăn uống, sinh hoạt của bố tôi đều lăng xăng chạy xung quanh. Bố có thói quen uống cà phê sáng tôi pha. Bố thức đêm nghe FM phần bình thơ, tôi nằm cạnh ôm bố, và tôi vẫn thói quen nằm úp mình lên vòm ngực rắn chắc ấy thiếp vào giấc ngủ.
Hạnh phúc tưởng chừng mãi êm đềm thế nhưng số phận khó lường, họa đến chẳng cách nào cưỡng nổi, cũng chẳng thể nào gánh vác thay. 9 tuổi, người ta chưa thực lớn nhưng đủ để hiểu về tình trạng sức khỏe của những người thân yêu gần gũi nhất xung quanh mình. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày giỗ nội, người ăn uống kém đi nhiều, dạ dày không còn vâng lời ngoan ngoãn, bố nôn ra tất cả những gì vừa đưa vào miệng.
Mẹ và tất cả anh em con cháu đều lo lắng, cuống cuồng đưa bố đi viện. Bố xanh xao xoa đầu tôi, không dặn dò đứa con út bé bỏng, còn tôi chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Thời gian nằm viện của bố chỉ có 3 ngày ngắn ngủi nhưng lại dài đằng đẵng với tôi, với mẹ, và những người thân yêu nhất của bố. Chú hai chạy đi chạy lại, lo cho anh trai và các cháu, tôi có cảm giác cái gì đó rất phức tạp và không thể gọi tên, vừa như rất sợ hãi, vừa rất hụt hẫng, vừa như rất lạc lõng.
Ngày thứ ba, bệnh viện trả về nửa đêm, chú hai mặc cho tôi chiếc áo khoác ấm và đưa người thân xuống đón bố về. Ngồi trong ôtô, không gió lạnh mà lòng tôi buốt nhói. Trên giường bệnh, bố nhắm mắt, nằm bất động, ống thở, dây nhợ, và đủ thứ linh tinh khác chẳng còn ý nghĩa gì nữa, ánh đèn vàng hòa cùng mùi thuốc thang với đôi mắt đỏ ngàu của mẹ tạo nên một màu trắng xóa trong tim tôi. Không gian lạnh lẽo, yên tĩnh đến rợn người.
Tôi chưa bao giờ sợ điều gì đến thế, cứ như thể thế giới đang tuột khỏi tay mình, và xuất hiện một hố sâu hun hút đen tối đang cố tìm cách dìm tôi xuống đó. Chú hai và bác sĩ chuyển bố ra xe, tôi ngồi bên cạnh, cảm thấy thật gần nhưng lại rất xa, yêu thương còn trong tim mà sao lại nhức nhối. Về đến nhà, rất đông người, sáng hôm sau nhà vẫn đông, có rất nhiều nước mắt, rất nhiều tiếng khóc.
Tôi sợ không gian này, sợ âm thanh này và tôi đã nhìn thấy mất mát đang đến gần lắm rồi, vậy mà tôi không thể, cũng không đủ can đảm để chấp nhận. Tim tôi bắt đầu nỗi cô đơn chống chếnh đầu tiên, nỗi cô đơn ngây thơ và non dại, nỗi cô đơn hòa trong đau đớn. Dường như mọi thứ vừa đổ ụp xuống, hạnh phúc vụt bay, bình yên vỡ vụn, tuổi thơ tan tành.
Tôi đau nỗi đau bản năng đầu tiên khi mất đi người yêu thương mà không gì chống đỡ nổi. Bố, vũ trụ bao la của tôi vẫn nằm trong trái tim bé nhỏ, vẫn thổn thức từng nhịp, mà tôi không thể đi xa hơn, không thể kéo gần lại, không thể sờ tay, không thể chạm, không thể ôm ấp…, chỉ thỉnh thoảng nhớ và mơ rất nhẹ nhàng nhưng tràn đầy tha thiết.
Đôi khi tôi nhắm mắt tự huyễn hoặc mình về một cuộc sống có bố, có nụ cười hiền, có vòng tay ôm siết, có tiếng nói, những câu mắng yêu và cả khi bố ngồi trong ghế đại diện họ nhà gái vào ngày cưới của tôi nữa. Và tôi tự hỏi cuộc sống sẽ khác đi thế nào nếu một người có vị trí quan trọng không bước chân ra khỏi cuộc sống của một người.
Dần dần lớn lên, tôi không vô tư như bạn bè, đanh đá hơn, mạnh mẽ hơn, ích kỷ hơn, và bằng mọi giá tôi không muốn ai thấy mình yếu mềm, kể cả khi nỗi buồn đã dâng lên ướt mi mắt. Tôi thường cố gắng lờ đi sự nhỏ nhen, thèm khát và ghen tị đang dâng lên trong lòng mình mỗi khi bạn bè xung quanh được quan tâm từ bố họ. Tôi phải cố làm ngơ. Tôi tự an ủi, mình cũng có niềm hạnh phúc của mình, tôi phải học cách hài lòng với những gì tôi có.
Hôm nay, tôi rất buồn và cũng rất nhớ con người hiền từ mà tôi gọi là vũ trụ ấy. Vị trí này trong tim tôi hôm qua đã vậy, hôm nay vẫn thế, và ngày mai cho dẫu thế nào cũng không bao giờ thay đổi, tuổi thơ tôi và yêu thương ấy vẹn nguyên, vĩnh cửu.
“Hoa thơm nở trong rừng vắng
Hạc trắng bay về núi non
Đá hồng phơi mình dưới nắng
Biển cả mênh mông sóng tràn.
Chim kêu vượn hú buồn tênh
Sương xuống ướt đầm ngọn cỏ
Đóa Quỳnh nửa đêm hé nở
Thơm ngát vầng trăng thượng huyền.
Kiếp người bóng xé chiều nghiêng
Hun hút đường vào thiên cổ
Xua tay giã miền đau khổ
Về với thiên nhiên vĩnh hằng”
(Hà – Vnexpress)